Buôn hàng thùng lãi cao: Sự thật đằng sau
(Dân trí) - Kinh doanh đồ cũ mang lại lợi nhuận tương đối lớn. Tuy nhiên, công việc này khá rủi ro bởi chất lượng hàng hóa khó kiểm soát và số tiền chi cho việc vệ sinh đồ là không nhỏ.
Những cụm từ liên quan đến sống tối giản, hạn chế dùng fast-fashion (thời trang nhanh), gia tăng sử dụng đồ tái chế… dần trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của một bộ phận người trẻ. Theo quan điểm, việc sử dụng những món đồ cũ là cách để làm cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn nhờ hạn chế rác thải ra môi trường.
Bên cạnh những lợi ích dành cho cuộc sống, không ít người lựa chọn kinh doanh và sử dụng đồ cũ bởi yếu tố liên quan đến tài chính. Kinh doanh đồ cũ mang lại lợi nhuận không nhỏ và người sử dụng đồ cũ cũng tiết kiệm chi tiêu hơn khá nhiều.
Kinh doanh đồ cũ nhiều rủi ro
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Phượng Nhung - người có kinh nghiệm kinh doanh đồ cũ - cho biết nhập và bán lại những món đồ đã qua sử dụng là đam mê của chị. Chị có lượng lớn đồ cá nhân gồm quần, áo, túi xách, giày dép đều được mua ở những chợ bán đồ cũ.
Ngoài việc đáp ứng sở thích, chị Nhung cho rằng việc dùng đồ cũ có ích cho việc bảo vệ môi trường, tránh mua sắm những món đồ theo xu hướng rồi nhanh chán và bỏ đi, tăng rác thải ra môi trường.
Từ những lý do trên, chị quyết định theo đuổi công việc kinh doanh đồ cũ trên mạng xã hội. Hiện chị nhập hàng qua 2 nguồn chính gồm khui kiện trực tiếp ở chợ đồ cũ và nhặt hàng chất lượng hơn qua các đầu mối buôn đồ cũ.
Khi mới vào nghề, chị nhập hàng theo kiện. Việc này mang lại lợi ích về giá thành bởi nhập hàng cả kiện sẽ có mức giá rất tốt. Tuy nhiên, nhập cả kiện đi kèm rủi ro lớn khi không thể biết bên trong kiện gồm những món đồ như thế nào, chất lượng ra sao, liệu còn đủ mới để bán lại cho khách hàng hay không.
Sau nhiều lần gặp rủi ro về việc nhập hàng cả kiện, chị chọn nhặt hàng cũ từ những kiện hàng lớn. Cách nhập hàng này sẽ khiến giá vốn ban đầu tăng cao, tuy nhiên, người kinh doanh sẽ làm chủ được chất lượng hàng hóa, hạn chế hàng lỗi, hàng quá cũ, hàng tồn.
Nói về rủi ro khi kinh doanh đồ cũ, chị Nhung cho rằng hầu hết rủi ro đều đến với những người nhập hàng cả kiện. Có nhiều lúc, kiện hàng vài trăm cái nhưng chỉ nhặt được khoảng vài chục cái (số lượng hàng có thể bán được chiếm 1/10 số lượng hàng nhập về).
Ngoài ra, kinh doanh đồ cũ tốn thời gian, công sức. Người bán thường xuyên phải làm việc với những kiện hàng lớn, nhiều bụi vải, soạn hàng rất kỳ công.
Bán đồ cũ đòi hỏi người bán có đam mê, không nản lòng bởi việc này vất vả gấp nhiều lần kinh doanh đồ mới. Ngoài công sức, việc vệ sinh lại những món đồ cũ tốn chi phí không nhỏ. Mỗi kiện hàng nhập về, chị Nhung đều đem đi giặt là dịch vụ với giá giặt từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg.
Sau khi giặt 100% số đồ nhập về, chị Nhung tiến hành là phẳng từng món đồ, sau đó mặc lên người và chụp lại. Các công đoạn này tốn nhiều thời gian, công sức.
Sau gần 2 năm kinh doanh đồ cũ, lợi nhuận cao nhất của chị Nhung từng đạt 45 triệu đồng/tháng với gần 400 món đồ được bán ra, trong đó chủ yếu là váy liền thân.
Con số này không quá lớn so với người kinh doanh những mặt hàng khác, tuy nhiên, với người bán đồ cũ, chị Nhung cho rằng 45 triệu đồng là thành quả dành cho những ngày đêm làm việc chăm chỉ, vệ sinh, giặt là đồ, chụp ảnh và bán hàng.
Kể từ khi chọn cách nhập hàng lẻ, nhặt từng sản phẩm, chị hạn chế được hàng lỗi, rút gọn số tiền dành cho hàng tồn. Hiện tại, mỗi tháng, chị Nhung chỉ tồn khoảng 2 triệu đồng tiền vốn cho những món đồ khó bán.
Với chị Nhung, việc dùng đồ cũ dần trở thành xu hướng bởi những tác động tích cực của nó với cuộc sống và con người. Chị Nhung hi vọng với sự chăm chỉ, nhiệt huyết, chị có thể mở cửa hàng và phát triển mô hình kinh doanh lớn hơn.
Dùng đồ cũ tiết kiệm chi phí nhưng tốn thời gian
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Kiều Anh (30 tuổi), người có đam mê lớn với việc tìm tòi, mua những món đồ cũ để sử dụng, cho biết việc mua những món đồ cũ giúp chị thỏa mãn đam mê sở hữu những món đồ độc đáo, không đại trà.
Cùng với đó, chị Kiều Anh là người quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và với chị, dùng đồ cũ có mục đích lớn nhất là giảm rác thải ra môi trường. Việc mua đồ cũ cũng liên quan đến kế hoạch chi tiêu bởi theo chị Kiều Anh, dùng đồ mới hay cũ thì chị luôn cố gắng mua đồ theo giá trị sử dụng của nó (price over performance).
Dùng đồ cũ có thể coi là tiết kiệm, tuy nhiên, tiết kiệm chính xác là khi người mua biết lựa chọn mua những món đồ tốt, bền, đúng nhu cầu sử dụng và chỉ mua khi cần.
Chị Kiều Anh cho biết dù sở thích là tìm tòi và mua đồ cũ, tuy nhiên, không phải món đồ nào cũng thích hợp để mua cũ. Trong đó, áo thun, đồ mặc ở nhà, quần áo tập, giày thể thao, Kiều Anh lựa chọn mua đồ mới để đảm bảo chất lượng.
"Tôi có thói quen vào chợ đầu mối tìm đồ cũ, nên tưởng là tiết kiệm được tiền nhưng rất mất thời gian", chị Kiều Anh nói.
Theo chị, nếu bận rộn thì bạn khó có thể dành thời gian tìm tòi đồ cũ. Kiều Anh cho rằng việc đi lựa từng món đồ trong chợ đầu mối rộng lớn là việc làm giải trí, tốn thời gian, công sức. Việc này không phù hợp với những người không có đam mê trong lĩnh vực này.
Một trong những mối lăn tăn lớn nhất của những người sử dụng đồ cũ là nguồn gốc, chất lượng vệ sinh của món đồ. Để giải quyết vấn đề này, chị Kiều Anh cho biết với mỗi món đồ mua về, chị đều khử trùng, giặt sạch trước khi mặc. Quan trọng nhất vẫn là tâm thế khi mua. Nếu lo lắng về nguồn gốc món đồ, có lẽ sẽ không phù hợp với việc mua đồ cũ.
Ngoài ra, nếu tự tay lựa chọn đồ cũ ở chợ đầu mối, người mua sẽ giảm tối đa những rủi ro. Nếu lựa chọn mua đồ cũ online, người mua có thể gặp những trường hợp như không mặc vừa, đồ bên ngoài cũ hơn ảnh, đồ có chất lượng kém so với quảng cáo, nếu mua hàng ở những địa chỉ bán hàng không uy tín.
Dù là người kinh doanh hay người tiêu dùng có nhu cầu mua đồ cũ, điều đầu tiên cần xác định là tốn thời gian, công sức lựa chọn. Cùng với những khó khăn phải đối diện, người kinh doanh và sử dụng đồ cũ sẽ tìm thấy những lợi ích lâu dài nếu coi việc sử dụng đồ cũ là đam mê, là xu hướng tiêu dùng giúp bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải.