1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hội An:

Buôn bán ế ẩm nhiều chủ hàng thịt lợn đành “treo quầy”

(Dân trí) - Giá thịt lợn hơi tại Quảng Nam vẫn ở mức cao, khiến thịt thành phẩm cũng không thể “xuống giá”, ảnh hưởng tới sức mua của người dân. Buôn bán ế ẩm, nhiều tiểu thương đành “treo quầy” tạm nghỉ.

Theo ghi nhận của PV tại chợ Hội An trong ngày 17/5, giá các loại thịt lợn vẫn ở mức cao chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, thịt ba chỉ giá 180 ngàn đồng/kg; thịt nạc vai, mông 160-170 ngàn đồng/kg…

Buôn bán ế ẩm nhiều chủ hàng thịt lợn đành “treo quầy” - 1

Giá thịt heo vẫn ở mức cao, sức mua giảm, buôn bán ế ẩm nhiều tiểu thương phải “treo quầy”

Bà Trần Thị Lựu (tiểu thương chợ Hội An) cho biết, giá các loại thịt thay đổi từng ngày, nhưng vẫn ở mức cao. Việc tăng giá khiến người dân cũng e ngại, sức mua giảm, nhiều tiểu thương vì buôn bán quá ế ẩm nên đã tạm nghỉ.

Buôn bán ế ẩm nhiều chủ hàng thịt lợn đành “treo quầy” - 2

Chợ khá vắng người mua, do ảnh hưởng Covid-19 nhiều lao động thất nghiệp- nhất là thành phố du lịch như Hội An khiến việc chi tiêu càng “thắt chặt” hơn

“Hôm qua thịt lợn hơi 92 ngàn/kg, đến giữa trưa lại báo chiều sẽ tăng lên 95 ngàn/kg khiến chúng tôi bất an theo. Có hôm chủ trại tạm nghỉ cung cấp, chúng tôi luống cuống chẳng biết làm sao. Nói thật, từ sau dịch tả lợn Châu Phi khiến thịt lợn tăng giá cao chúng tôi cũng lỗ vốn rất nhiều. Bán ít thì sợ mất lòng bạn hàng, nhiều thì mình lỗ, tiến thoái lưỡng nan”, bà Lựu buồn rầu chia sẻ.

Buôn bán ế ẩm nhiều chủ hàng thịt lợn đành “treo quầy” - 3

Nhiều người dời ra đường ngoài bán

Bà Trần Thị Phượng (tiểu thương chợ Hội An) chia sẻ, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều người lao động mất việc làm nên họ cũng thắt chặt chi tiêu hơn. Bên cạnh đó, giá thịt lợn tăng cao nên khiến người ta càng đắn đo.

“Hiện tôi cũng không dám lấy quá nhiều thịt, chỉ vừa đủ bán, giảm hơn một nửa so với trước kia. Cả khu bán thịt hơn 30 quầy nhưng đã nghỉ phân nửa. Dự tính, với mỗi ký thịt heo, chúng tôi lãi vài nghìn đồng nhưng do sức mua yếu, hàng hóa ứ lại nên phải giảm giá đến vài nghìn đồng mỗi ký. Như vậy lỗ chi phí vận chuyển và tiền phí thuê mặt bằng”, bà Phượng nói.

Buôn bán ế ẩm nhiều chủ hàng thịt lợn đành “treo quầy” - 4

Mới hơn 8 giờ sáng, nhưng khu hải sản chợ Hội An thưa bóng người bán lẫn người mua

Một số tiểu thương trước chuyên cung cấp thịt cho các nhà hàng, khách sạn ở Hội An nay cũng mất “mối” tiêu thụ, chợ cũng vắng người mua nên đành “treo quầy”.

Chị Lê Thị Cúc (phường Minh An, Hội An) làm buồng phòng tại một khách sạn, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh, khách sạn tạm nghỉ nên chị cũng mất việc làm. Hiện chị ở nhà nội trợ, chi tiêu hiện giờ đều dựa vào tiền lương công nhân của chồng.

Tiểu thương chia sẻ về giá thịt ở mức cao khiến buôn bán ế ẩm

“Hiện phải thắt chặt chi tiêu, mua cái gì cũng tính toán và đắn đo cả. Mỗi tuần tôi chỉ mua thịt heo hai lần, còn lại mua cá hoặc gà, vịt… thay thế. Gà, vịt hiện bán rất rẻ, nhưng giá heo thì vẫn ở mức cao, thời buổi kinh tế khó khăn mà giá cả tăng cao như vậy. Chỉ hy vọng Nhà nước kiểm soát giá cả, để người dân như chúng tôi bớt khổ”, chị Cúc chia sẻ.

Không chỉ tại chợ Hội An, mà nhiều chợ nhỏ lẻ trên địa bàn Hội An cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cả tiểu thương và người tiêu dùng đều mong sao cho giá heo giảm nhiệt, kích cầu tiêu dùng trở lại.

Việc thịt lợn tăng giá là tín hiệu đáng mừng cho người chăn nuôi sau một thời gian chịu thiệt hại bởi dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, chính giá thịt lợn tăng đỉnh điểm như hiện nay cũng gây nhiều khó khăn cho chính người chăn nuôi khi cả tiểu thương và người tiêu dùng đang “ngán” giá bán mua quá chát.

Khu hải sản vắng bóng người, tiểu thương tràn ra đường bán

Mới 8h sáng, nhưng khu hải sản chợ Hội An lại thưa vắng người mua và người bán. Nhiều tiểu thương tại khu hải sản chợ Hội An cho biết, các gian hàng sở dĩ bỏ trống là do một số tiểu thương tạm nghỉ do mất “mối” từ các nhà hàng, khách sạn.

Buôn bán ế ẩm nhiều chủ hàng thịt lợn đành “treo quầy” - 5
Buôn bán ế ẩm nhiều chủ hàng thịt lợn đành “treo quầy” - 6

Nhiều hàng cá “di động” tự phát bán dọc đường vào khu thực phẩm chợ Hội An gây ảnh hưởng đến các quầy phía trong và mỹ quan thành phố du lịch

Bên cạnh đó, các quầy cá “di động” hình thành tự phát bán dọc đường dẫn vào chợ đã làm ảnh hưởng đến việc buôn bán của các tiểu thương phía trong và mỹ quan của chợ Hội An (điểm đến được nhiều du khách yêu thích mỗi khi ghé thăm Hội An).

Theo ghi nhận của PV, dọc đường dẫn vào khu buôn bán thực phẩm chợ Hội An “ken đặc” người buôn bán. Bình thường, đường này có thể chạy xe máy thoải mái, nhưng hiện nay do việc buôn bán tràn xuống đường khiến xe và người phải chen lấn, gây mất mỹ quan.

Buôn bán ế ẩm nhiều chủ hàng thịt lợn đành “treo quầy” - 7

Nhiều hàng cá “di động” tự phát bán dọc đường vào khu thực phẩm chợ Hội An gây ảnh hưởng đến các quầy phía trong và mỹ quan thành phố du lịch

Bà Nguyễn Thị Mười (tiểu thương chợ Hội An) cho biết, gần hai tháng nay, các hàng cá tự phát đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc buôn bán của tiểu thương ngồi phía trong chợ. Các tiểu thương đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên BQL chợ Hội An, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

“Các hàng cá di động ngồi tràn cả ra đường, người dân chỉ đi ngang qua mua rồi về, không những gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến các tiểu thương ngồi phía trong.

Buôn bán ế ẩm nhiều chủ hàng thịt lợn đành “treo quầy” - 8

Nhiều mặt hàng cũng bày bán dọc đường vào chợ gây ách tắc người và xe cộ

Tôi mong các cơ quan chức năng giải quyết để các tiểu thương buôn bán ở phía ngoài di chuyển vào trong chợ, để ai cũng đều mua bán công bằng. Nhiều chị em vốn dĩ ngồi trong khu hải sản, bán không được có người nghỉ, có người thì cũng mang hàng hóa của mình ra ngoài, gây hỗn loạn”, bà Mười bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Gái (tiểu thương chợ Hội An) trước đây chuyên bỏ mối cho các nhà hàng, khách sạn. Nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19, các nhà hàng tạm nghỉ, bà cũng phải đóng cửa.

Hiện nay, tuy đã qua thời gian cách li xã hội nhưng các nhà hàng, khách sạn chưa khôi phục kinh doanh; bên cạnh đó, sức mua của người dân giảm nên một số tiểu thương vẫn chưa định ngày quay lại buôn bán.

“Hiện lượng tiêu thụ tại hải sản tại chợ giảm hơn 50% so với trước đây. Mặc dù người dân dần thay thế hải sản thay thịt heo, nhưng giá cũng chỉ tăng nhẹ vài ngàn, sức mua thì giảm đáng kể. Các quầy hàng “di động” dọc đường dẫn vào chợ, đa phần không phải là tiểu thương khu hải sản, mà là những người lao động thất nghiệp họ “chuyển sân” buôn bán hải sản, rau củ… ngồi dọc đường gây ách tắc, mất mỹ quan, bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến việc buôn bán của những tiểu thương ngồi phía trong, phải trả tiền mặt bằng đầy đủ”, bà Gái nói.

Công Bính – Ngô Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm