Bước đột phá của Trung Quốc trong ngành đất hiếm

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Các công ty Trung Quốc đang cố gắng nhập khẩu nguyên liệu thô từ nước ngoài, chuyển đổi thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao sau đó xuất khẩu trở lại các nước phương Tây.

Tháng trước, Shenghe Resources, công ty đất hiếm của Trung Quốc, đã mua lại toàn bộ kho dự trữ tại mỏ đất hiếm đầu tiên và duy nhất đang hoạt động của Canada.

Trước đó, công ty này cũng mua 9,9% cổ phần của Vital Metals, công ty của Australia đang sở hữu dự án đất hiếm.

Kể từ năm 2016, Shenghe đã nhập khẩu đất hiếm từ các mỏ ở Mỹ, Australia sau đó chuyển về chế biến tại Trung Quốc. Từ năm 2017 đến năm 2022, công ty này đã chi khoảng 248 tỷ USD hàng năm để nhập đất hiếm từ các mỏ nước ngoài.

Nguyên liệu đất hiếm được sử dụng trong các công nghệ năng lượng sạch như xe điện và tua bin gió. Trung Quốc đã dẫn đầu trong việc cung cấp nguyên liệu này cho thế giới kể từ những năm 1980, cũng như đi trước rất nhiều về công nghệ được sử dụng để xử lý đất hiếm.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang cố gắng sử dụng tài nguyên đất hiếm một cách bền vững.

Những nỗ lực này bao gồm các quy định về môi trường, kiểm soát sản xuất và tái cơ cấu ngành công nghiệp để củng cố hoạt động sản xuất đất hiếm giữa các doanh nghiệp nhà nước, giảm thiểu sự thiếu nguồn cung quặng đất hiếm thô ở Trung Quốc.

Bước đột phá của Trung Quốc trong ngành đất hiếm - 1

Mỏ Bayan Obo chứa khoáng sản đất hiếm ở Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Các công ty Trung Quốc đang nhập khẩu nguyên liệu thô từ nước ngoài và tích cực tìm cách đa dạng hóa để đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu thô của họ.

Những thương vụ mua lại như của Shenghe cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách nhập khẩu các sản phẩm thượng nguồn từ phương Tây, sau đó xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng trở lại các nước này.

Trung Quốc từng cung cấp nguyên liệu thô giá rẻ cho các quốc gia phương Tây để sản xuất các sản phẩm cao cấp nhưng giờ đây họ đang cố gắng đảo ngược dòng sản xuất đó trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Wang Guoqing, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thông tin thép Lange, việc chuyển đổi nguyên liệu thô hoặc sản phẩm thượng nguồn thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao mang lại lợi nhuận cao hơn và nhiều lợi ích hơn cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Chuyên gia này cho biết nhiều ngành công nghiệp khác ở Trung Quốc đang cố gắng nâng cấp lên các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn. Ví dụ, trong ngành thép, Trung Quốc đã khuyến khích nhập khẩu gang và xuất khẩu các sản phẩm cao cấp hơn.

Theo SCMP, Reuters