1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bùng nổ thanh lý ô tô trả góp mùa Covid-19

Ô tô siết nợ được các ngân hàng thanh lý thường thấp hơn so với giá trên thị trường để thu hút người mua, xử lý nhanh nợ xấu.

Cách đây hơn một năm, nhiều người có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xế hộp để đi lại, kinh doanh dịch vụ khi ngân hàng cho vay tới 80%-90% giá trị chiếc xe cùng lãi suất ưu đãi. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người bán tháo xe vì không trả nổi nợ hoặc bị ngân hàng ồ ạt thanh lý để thu hồi nợ.

Đủ kiểu ô tô thanh lý

Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng thông báo thanh lý nhiều loại ô tô với giá rẻ từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Trong đó nhiều nhất là xe chạy dịch vụ, xe khách, xe tải, xe con… Lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kinh doanh khó khăn, người vay không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng vay mua xe nên bị thu hồi bán thanh lý.

Đơn cử, Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Thanh Hóa mới đây thông báo thanh lý 10 chiếc ô tô con năm chỗ hiệu Kia màu bạc, sản xuất năm 2008-2011. Theo nội dung rao bán, những mẫu xe này giá chỉ 60-70 triệu đồng mỗi chiếc. Tương tự, TPBank cũng thông báo bán đấu giá năm ô tô thương hiệu Toyota, Chevrolet và Kia để thu hồi các khoản nợ tại ngân hàng này. Các mẫu xe được rao bán đợt này có giá khởi điểm từ 207 triệu đến 502 triệu đồng, tùy thương hiệu, năm sản xuất và dòng xe.

Ngân hàng SeABank cũng thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo là chiếc xe hạng sang Mercedes-Benz C-Class C250 sản xuất năm 2015, giá khởi điểm 880 triệu đồng, hay chiếc Mazda3 đời 2017 với giá khởi điểm 490 triệu đồng. Techcombank thông báo tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo là 30 ô tô gồm nhiều thương hiệu, dòng xe…

Theo các ngân hàng, phần lớn xe thanh lý là của khách hàng vay mua xe trả góp đã mất khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ nên thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm và thanh lý thu hồi nợ. Trả lời báo chí, đại diện một số ngân hàng giải thích ô tô là nhóm tài sản có thanh khoản khá tốt và thường được xử lý dễ dàng khi đã thu giữ. Song tâm lý của người mua tài sản đảm bảo xe hơi thường lo ngại về các giấy tờ đi kèm vì liên quan nợ xấu, nên nếu đưa ra giá tương đương thị trường sẽ khó cạnh tranh. Vì vậy, một số ngân hàng phải hạ giá ô tô thanh lý.

Ngoài xe do các ngân hàng thanh lý, trước đây nhiều người đua nhau mua xe trả góp kiểu phong trào để vừa phục vụ gia đình đi lại, vừa kinh doanh nhưng hiện nay thu nhập giảm, kinh doanh cũng bết bát nên không trả nợ ngân hàng đúng hạn, bị ngân hàng thu nợ.

Anh NQĐ, nhà ở quận Thủ Đức, TP.HCM, chia sẻ: “Tôi mua ô tô trả góp, mỗi tháng phải trả gốc và lãi lên tới 15 triệu đồng. Tiền chi phí cho chiếc xe mỗi tháng cũng tốn 5-6 triệu đồng nữa, chưa kể mấy lần sửa chữa này nọ. Từ đầu năm đến nay, kinh doanh khó khăn, thu nhập vợ chồng giảm, tôi chạy dịch vụ nhưng ít khách, không đủ sức gánh nợ nữa…”.

Bùng nổ thanh lý ô tô trả góp mùa Covid-19 - 1

Khách hàng mua xe thanh lý cần nhờ người có chuyên môn kiểm tra kỹ chất lượng, khảo sát so sánh với giá thị trường. Ảnh: Quang Huy

Giá rẻ nhưng hãy cẩn thận

Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, ô tô thanh lý có rất nhiều dạng khác nhau và khá đa dạng: Xe có thể đã bị đâm, đụng nặng hoặc rất đẹp, chạy rất ít km. Vì vậy, phía ngân hàng thông thường nhờ một đơn vị thứ ba thực hiện định giá rồi mới đưa ra mức giá cụ thể. Giá xe thanh lý có khi rẻ hơn giá xe cũ cùng dòng, phân khúc… trên thị trường để thanh lý thu hồi nợ nhanh.

Vị chuyên gia ô tô này cũng cho rằng người mua xe thanh lý có thể tiết kiệm được khoản tiền lớn so với mua xe mới nhưng xe rẻ chưa chắc đã “ngon”, do vậy cần kiểm tra kỹ nếu không tưởng mua được xe rẻ mà hóa đắt. “Nếu mua phải xe quá cũ, hỏng hóc liên tục … thì chi phí sửa chữa rất nhiều. Tốt nhất là người mua nên nhờ những người có chuyên môn kiểm tra ô tô xem có bị ngâm nước, thủy kích, bị lỗi gì không… trước khi xuống tiền” - ông Đồng khuyến nghị.

Chủ một đại lý ô tô cũng nhìn nhận ô tô thanh lý thường rẻ hơn thị trường khoảng 10%-15%. Tuy vậy, trong một số trường hợp giá ô tô thanh lý không rẻ hơn so với giá ngoài thị trường. Lý do là các đại lý ô tô cũ sau khi mua xe thanh lý còn phải chịu phí sang tên, bị truy thu phí bảo trì đường bộ, phí sửa chữa…Các chi phí này khiến giá xe thanh lý bị đội lên.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cũng cho biết trường hợp xét thấy khách hàng không còn khả năng thanh toán, có nguy cơ mất vốn…, ngân hàng sẽ thu hồi tài sản, thanh lý để xử lý nợ. Ô tô thanh lý thường được các đại lý chuyên kinh doanh xe cũ thu mua vì họ rành về chất lượng xe và nắm rõ về các thủ tục. Trong khi các cá nhân lại e ngại về thủ tục và không rành kiểm tra chất lượng xe nên ngại mua ô tô thanh lý.

“Thực tế cho thấy ô tô siết nợ được ngân hàng thanh lý thường thấp hơn so với giá trên thị trường để thu hút người mua, xử lý nhanh nợ xấu. Song khi muốn mua xe thanh lý, khách hàng phải có đủ kinh nghiệm đánh giá tình trạng xe, kiểm tra, so sánh giá xe trên thị trường. Còn thủ tục thì rất đơn giản, khách hàng ký hợp đồng mua xe rồi làm thủ tục sang tên” - ông Hiếu nói.

Cẩn thận với xe mới bên ngoài, hỏng bên trong

Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, cho rằng mua xe cũ giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, thậm chí có thể mua được chiếc xe chất lượng như mới, đầy đủ phụ kiện với giá hời. Nhưng để mua được xe cũ với giá hợp lý, trước hết khách hàng phải chọn các đại lý kinh doanh ô tô cũ uy tín hoặc chọn mua xe chính hãng đã qua sử dụng còn bảo hành theo tiêu chuẩn của hãng trong thời hạn một năm hoặc 20.000 km cho động cơ và hộp số.

“Người mua nên ưu tiên chọn lựa kỹ lịch sử xe, điểm kỹ thuật, sử dụng không quá 4-5 năm hoặc chạy trên 50.000 km” - ông Đồng khuyến nghị.

Đồng quan điểm, đại diện một số đại lý ô tô cho rằng xe thanh lý thường được các đại lý mua bán xe cũ gom về, tân trang lại rồi bán ra thị trường. Mặt khác, không ít xe dạng thế chấp ngân hàng là xe dịch vụ, xe cho thuê, xe chạy đường dài… chạy liên tục nên đã xuống cấp nhưng được đại tu lại. Những xe này nhìn bên ngoài đẹp nhưng máy móc bên trong đã rệu rã. Do vậy, khách hàng cần hết sức cẩn trọng. 

Theo Quang Huy
Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm