Bức tranh kinh tế Việt Nam màu hồng dưới con mắt các tổ chức quốc tế

(Dân trí) - Nhiều tổ chức quốc tế đưa ra nhận định lạc quan về bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm nay với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao tiếp tục được duy trì.

Bức tranh kinh tế Việt Nam màu hồng dưới con mắt các tổ chức quốc tế - 1

Báo cáo về triển vọng kinh tế năm 2016 do Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế (GDP) của việt Nam trong năm 2016 lên mức 6,9%, cao hơn con số 6,6% đưa ra trước đó.

Theo dự báo của Standard Chartered, Việt Nam sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh thứ 2 ở châu Á, chỉ đứng sau Ấn Độ nhờ vào sự thúc đẩy từ sản xuất và xây dựng trong bối cảnh thu hút FDI tiếp tục gia tăng.

Với triển vọng là một trong số những nền kinh tế có nhiều cơ hội đầu tư tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, ngân hàng này cũng dự báo đầu tư sẽ đóng góp tỷ lệ cao hơn vào tăng trưởng so với năm 2015 nhờ lượng vốn FDI được giải ngân cho các dự án sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.

Trước Standard Chartered, nhiều tổ chức quốc tế cũng đưa ra nhận định lạc quan về bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm nay. Trong một bài viết đăng tải gần đây, trang Bloomberg cho rằng, tốc độ tăng trưởng vững chắc ở 7% trong năm 2016 sẽ giúp Việt Nam lọt vào nhóm những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Nền kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ tăng 6,7% trong năm 2016, tương tự như tốc độ tăng trưởng trong năm 2015, theo khảo sát của Bloomberg.

"Năm 2016 sẽ là một năm xuất sắc đối với nền kinh tế Việt Nam", nhóm chuyên gia kinh tế của ngân hàng ANZ do Eugenia Victorino dẫn đầu cho biết trong một báo cáo mới đây. Theo ANZ, các nỗ lực gần đây của ngân hàng nhà nước nhằm linh hoạt hóa tỷ giá hối đoái cũng tăng cường sự ổn định, làm dịu áp lực kinh tế vĩ mô đặt lên dự trữ của Việt Nam.

Trong bài viết với tiêu đề “Vì sao kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn các nước Đông Nam Á khác” trên Channel News Asia cũng chỉ ra rằng, trong khi hầu hết các nước trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng kinh tế Trung Quốc, Việt Nam dường như nằm ngoài vòng xoáy này.

Channel News Asia đánh giá, sự hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài xuất phát từ vị trí địa lý thuận lợi, nhân công và chi phí hoạt động giá rẻ, cũng như việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 dự báo ở mức 6,6% và giảm xuống còn 6,3% năm 2017 và còn 6% vào 2018. Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo cao hơn Thái Lan (2%), Philippines (6,4%), Indonesia (5,3%)…

HSBC dự báo, triển vọng năm 2016, mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam sẽ còn tiếp tục và mục tiêu trong năm 2016 là 6,7% chắc chắn sẽ đạt được.

Trong khi ANZ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng lên mức 6,9% trong năm 2016, trước khi giảm xuống còn 6,5% trong năm 2017. Sở dĩ ANZ lạc quan là vì hiện nay Việt Nam đang ngày càng sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng tinh vi phức tạp hơn. Việt Nam sẽ tiếp tục tiến lên trên chuỗi giá trị đối với mặt hàng điện tử.

Phương Dung

Bức tranh kinh tế Việt Nam màu hồng dưới con mắt các tổ chức quốc tế - 2