"Bữa tiệc" thâu tóm còn dang dở của đại gia

Nếu các ông chủ, bà chủ quyết tâm giữ doanh nghiệp thì rất khó thực hiện việc mua bán, sáp nhập.

Nhiều doanh nghiệp đặt các kế hoạch thâu tóm các công ty khách nhằm mở rộng quy mô, tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, mục tiêu này không hề dễ dàng do bị phản ứng, ngờ vực từ bên bị mua và cả chính nội bộ từ công ty mua.

Ra nghị quyết từ chối

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây đã đồng ý chấp thuận cho Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chào mua 49% vốn điều lệ của Công ty GTNfoods (GTN), đơn vị sở hữu sữa Mộc Châu. Với thị giá cổ phiếu thời gian vừa qua, Vinamilk dự định chi trên 1.500 tỉ đồng để thực hiện thương vụ trên.

Trước đó, HĐQT GTN ra nghị quyết thống nhất không đồng ý với đề nghị chào mua của Vinamilk. Giải thích về quyết định này, ông Tạ Văn Quyền, Chủ tịch HĐQT GTN, cho rằng Vinamilk đang là công ty sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sữa lớn tại Việt Nam. Đặc biệt, Vinamilk đang là đơn vị cạnh tranh trực tiếp với một trong những mảng kinh doanh cốt lõi của GTN là hoạt động sản xuất, chế biến và phân phối sữa của Mộc Châu Milk.

“Với phương án chào mua công khai mà Vinamilk đã đưa ra, mục tiêu sở hữu tại GTN sau chào mua là 49% vốn điều lệ công ty và nếu chào mua hoàn tất thì Vinamilk sẽ là một trong những cổ đông lớn nhất tại GTN. Có điều là HĐQT của GTN chỉ nhận được hồ sơ đăng ký chào mua công khai chính thức của Vinamilk mà chưa nhận được thêm bất cứ thông tin trao đổi, phản hồi nào khác về định hướng, chiến lược, phương án hợp tác từ Vinamilk với vai trò là cổ đông lớn sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của GTN” - ông Quyền cho biết.

Trước những phản ứng mạnh mẽ từ GTN, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, đã phải lên tiếng trấn an. Bà Liên nói: “Quan điểm của Vinamilk là tham gia vào GTN để cùng mạnh lên. Trước đây, Vinamilk đã mua nhiều công ty và các bên đều cùng hưởng lợi, luôn có sự cân bằng lợi ích cho bên bị mua. Thời điểm hiện nay, trước áp lực từ các thương hiệu ngoại thì các công ty Việt cần kết hợp tạo thành bó đũa không thể bẻ gãy để giữ thương hiệu Việt. Chúng tôi không làm gì để hại bạn mà lợi mình cả, đó là nguyên tắc của Vinamilk mấy chục năm nay”.

Tương tự, một trong những nội dung quan trọng tại đại hội cổ đông diễn ra mới đây của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons là trình phương án hoán đổi cổ phiếu để sở hữu 100% cổ phần Ricons. Cụ thể, Coteccons sẽ phát hành thêm cổ phần phổ thông cho các cổ đông của Ricons để thực hiện hoán đổi lấy toàn bộ số cổ phần Ricons đang lưu hành. Sau khi thực hiện hoán đổi cổ phiếu, Coteccons sẽ sở hữu 100% Ricons.

Theo Coteccons, việc sở hữu Ricons sẽ giúp Coteccons tạo lợi thế cạnh tranh về quy mô, tăng năng lực triển khai các dự án lớn và đặc biệt lớn, thúc đẩy tăng doanh thu, lợi nhuận và vươn ra thị trường nước ngoài. Chủ tịch Coteccons Nguyễn Bá Dương nhấn mạnh: “Nếu sáp nhập, chúng ta sẽ có ba công ty trong tốp năm công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam”.

Đáng lưu ý, cổ đông lớn nhất là Kusto phản đối sáp nhập Ricons vào Coteccons. Cuối cùng đại hội đã biểu quyết không thông qua phương án nhận sáp nhập Ricons vào Coteccons.

Bữa tiệc thâu tóm còn dang dở của đại gia - 1

Vinamilk muốn sữa Mộc Châu về chung một nhà để cùng mạnh lên. Ảnh: TL

Phải có mục tiêu chung

Nhiều chuyên gia cho rằng nhiều ông chủ doanh nghiệp không muốn bán mình và lo lắng cho việc bị mua lại sẽ ảnh hưởng quyền lợi, thương hiệu do không rõ ý định của bên mua. Do vậy cuộc chơi mua bán và sáp nhập đòi hỏi sự kiên nhẫn và chờ thời cũng như tạo ra một mục tiêu chung cùng phát triển mới có khả năng thành công.

Bởi thực tế trên thị trường cho thấy trường hợp như Coteccons, Vinamilk… không phải là hiếm có. Có thể nhìn vào trường hợp Masan thâu tóm Vinacafe Biên Hòa đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn để đạt được mục đích cuối cùng.

Masan đặt vấn đề chào mua cổ phiếu Vinacafe Biên Hòa (VCF) trong bối cảnh hoàn toàn không nắm trong tay một cổ phiếu VCF nào. Ngay lập tức đại diện phần vốn nhà nước tại VCF lên tiếng sẽ không bán phần vốn này và yêu cầu các nhân viên cũng không nên bán.

Song phần vốn nhà nước tại VCF là 37,3%, một cổ đông lớn nhưng chưa đến mức chi phối. Masan lần lượt đánh tỉa các cổ đông khác, gồm: Các quỹ (nắm giữ 20% tỉ lệ sở hữu tại VCF), một cá nhân (7,7%) và một công ty chứng khoán (8,63%).

Cùng với đó, Masan mua một số lượng lớn cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thông qua các môi giới. Kết quả, chỉ trong thời gian ngắn, Masan đã tăng dần tỉ lệ sở hữu và đến cuối năm 2018 đã nắm giữ 98,5% vốn điều lệ của VCF.

Tập đoàn PAN là một ví dụ khác. Đây là một tập đoàn nông nghiệp được xây dựng trên bộ khung của các công ty nông nghiệp hàng đầu trên thị trường nhờ vào thương vụ mua bán và sáp nhập.

Để đạt thành công các thương vụ này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT PAN, thừa nhận ban đầu nhiều công ty e ngại khi PAN đến tiếp cận đặt vấn đề hợp tác. Lý do họ sợ PAN tác động giá cổ phiếu hoặc tìm cách tăng giá trị doanh nghiệp, sau đó thoái vốn kiếm lợi nhuận.

“Chỉ đến khi biết mục tiêu của PAN là tạo ra tập đoàn nông nghiệp với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tham vọng xây dựng thương hiệu cho nông sản và thực phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế thì hầu hết mọi người đều đồng ý về chung nhà với PAN” - ông Nguyễn Duy Hưng nói.

Thâu tóm là một nghệ thuật

Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc HD Bank, phát biểu tại một diễn đàn mua bán và sáp nhập mới đây rằng nên xem mua bán và sáp nhập là một thương vụ mang tính nghệ thuật hơn là một phép cộng. Đúng là sau mua bán và sáp nhập tăng trưởng lên gấp đôi, thậm chí bốn lần luôn là điều tốt. Song mua bán và sáp nhập là một tiến trình rất khó khăn, quá trình đàm phán vô cùng căng thẳng.

Mặc dù phối hợp cùng với công ty luật và kiểm toán để mọi thứ đưa ra theo những nguyên tắc rạch ròi nhưng vẫn phải có nghệ thuật khi đàm phán và hài hòa lợi ích của các cổ đông. Mặt khác, nếu các ông chủ, bà chủ quyết tâm giữ doanh nghiệp thì rất khó thực hiện thương vụ.

“Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm mua bán và sáp nhập, tôi thấy rằng các doanh nghiệp nếu như đã muốn tham gia hãy xác định một chiến lược đúng đắn. Khi có chiến lược mua bán và sáp nhập đúng đắn xem như đã thành công một nửa, phần còn lại phụ thuộc vào việc triển khai như thế nào” - ông Trung nói.

Ông Tung cũng cho biết HD Bank cũng đã từng thực hiện nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập các ngân hàng. Nhưng “đám cưới” chỉ diễn ra khi hai bên thống nhất được các giá trị cũng như tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu. 

Theo Phương Minh
Pháp luật TPHCM