Bữa ăn ngày càng đắt đỏ
Giá dầu thô rồi giá vàng tăng kỷ lục gây chú ý của giới truyền thông toàn cầu vì tác động mạnh đến kinh tế thế giới. Nhưng có một loại hàng hóa đang âm thầm tăng giá mà ít được chú ý dù nó đe dọa cuộc sống của hàng tỉ người nghèo khó và ít có tiếng nói trong xã hội: lương thực.
“Lớp người dễ bị tổn thương nhất, những người phải chi đến 60% thu nhập để mua thức ăn, đang bị đẩy ra khỏi thị trường lương thực vì giá cả quá đắt đỏ” - đó là cảnh báo của bà Josette Sheeran, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thuộc Liên hiệp quốc.
Khi giá gạo, lúa mì, lúa mạch, bắp và các loại nông sản khác đến tăng nhanh đến chóng mặt thì những người nghèo nhất ở các nước nghèo nhất bị thiệt hại nặng nề nhất. Việc trợ giúp người nghèo càng trở nên khó khăn hơn.
Chi phí để mua lương thực cứu trợ của WFP trong năm năm qua đã tăng hơn 50% và bà Sheeran dự báo sẽ tăng khoảng 35% nữa trong vòng vài năm tới.
Trong nhiều năm qua, an ninh lương thực là mối lo hàng đầu của các nước kém phát triển, nhất là các nước có chiến tranh, các nước thường xuyên bị hạn hán, lũ lụt và khí hậu khắc nghiệt.
Trong khi đó các nước giàu lại sản xuất nhiều lương thực hơn nhu cầu và phải tiêu tốn nhiều thời gian công sức giải quyết những vấn đề liên quan tới dư thừa lương thực; từ những rủi ro về sức khỏe do tỷ lệ người bị béo phì tăng cao, cho đến vấn đề trợ cấp cho tầng lớp nông dân có sức cạnh tranh kém, đặc biệt là nông dân châu Âu.
Bất chấp những nỗ lực cắt giảm trợ cấp nông nghiệp, hiện vẫn có khoảng 40% tổng ngân sách của châu Âu được dành cho trợ cấp nông nghiệp.
Abdolreza Abbassian, thư ký nhóm liên chính phủ về thương mại ngũ cốc thuộc Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) - một cơ quan của Liên hiệp quốc - thừa nhận rằng, “cho đến cách đây hai năm, chúng ta vẫn dư thừa lương thực nhưng phân phối quá kém và không công bằng”.
Nhưng hôm nay có khoảng 850 triệu người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, lâm vào nạn đói kinh niên trong khi khoảng 1,1 tỉ người bị béo phì hoặc thừa cân.
Giá lương thực tăng là do lương thực ngày càng thiếu, cung không đủ cầu. Tình trạng khan hiếm lương thực lại được gây ra bởi xu thế tự do hóa thị trường. Khi thị trường được tự do, người ta sẽ giảm bớt phần sản xuất thừa và lượng lương thực dự trữ cũng giảm theo.
Trong khi đó nhu cầu lương thực và các mặt hàng thực phẩm khác tăng vọt ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Công nghiệp chế biến nhiên liệu sinh học cũng tiêu tốn một phần đáng kể và ngày càng nhiều hơn trong sản lượng bắp và mía đường.
Năm nay, nạn lụt và hạn hán trên thế giới đã phá hủy mùa màng ở nhiều quốc gia, chẳng hạn Anh quốc đang trải qua một năm ẩm ướt nhất trong lịch sử trong khi Úc lại có một năm khô hạn nhất.
Không chỉ các nước nghèo mới lo giá lương thực tăng. Tháng trước hàng ngàn người Ý đã xuống đường tại Rome và Milan, phản đối việc tăng giá mì sợi (pasta). Giá tăng cũng làm người ta thắt lưng buộc bụng; theo Hiệp hội Nông dân Coldiretti, trong tám tháng đầu năm nay lượng mì ống tiêu thụ giảm 7,4% so với năm ngoái, còn lượng sữa tiêu thụ cũng giảm 2,6%.
Những nỗ lực tìm kiếm giải pháp đã bị các mưu toan chính trị làm cho phức tạp. Đầu tháng này, Chính phủ Nga bắt đầu kiểm soát giá cả trong tiến trình chuẩn bị bầu cử Quốc hội vào tháng 12. Chính sách này tạm thời giúp người nghèo đỡ lo một thời gian nhưng sẽ làm cho họ thêm khốn đốn vì giá sẽ tăng mạnh sau khi biện pháp kiểm soát được dỡ bỏ.
Tổng giám đốc của FAO, ông Jacques Diouf, dự báo rằng sẽ có thêm nhiều quốc gia áp dụng biện pháp kiểm soát giá lương thực, bãi bỏ thuế nhập khẩu lương thực hoặc gia tăng trợ cấp cho ngành sản xuất lương thực. Nhưng nỗ lực làm giảm nhẹ áp lực của vấn đề này lại bị phê phán mạnh mẽ bởi những người ủng hộ biện pháp khác.
Ví dụ việc tìm nguồn thay thế dầu mỏ bị cho là xung đột với việc nuôi dưỡng tầng lớp nghèo khổ đang bị đói ăn của thế giới. Jean Ziegler, chuyên gia độc lập của Liên hiệp quốc về quyền thụ hưởng lương thực, cho rằng việc sử dụng nông sản để thay thế xăng dầu là một tội ác chống lại loài người. Ông đề nghị cấm tuyệt đối việc sản xuất nhiên liệu sinh học trong vòng 5 năm.
Trên thị trường nông sản thường xuyên diễn ra hiện tượng một thời kỳ giá cao tiếp theo một thời kỳ giá thấp và ngược lại. Trong quá khứ nông dân sản xuất dư thừa một loại sản phẩm nào đó khiến giá của nó tụt xuống thì ngay sau đó họ sẽ chuyển sang loại nông sản đang khan hiếm để được giá cao hơn.
Nhưng chu kỳ biến động giá hiện nay rất khác so với ngày trước vì giá tăng cao ở hầu hết các mặt hàng lương thực thực phẩm. Và các kho dự trữ lương thực thì trống trải đến nỗi, theo ông Abassian, loài người sẽ không đủ gạo ăn nếu như năm tới thời tiết xấu lại ảnh hưởng đến sản xuất lương thực.
Có thể giá lương thực sẽ đứng ở mức cao trong một vài năm tới, và loài người đang tập thích nghi với tình trạng khan hiếm lương thực, với sự thay đổi khí hậu và gia tăng dân số thế giới - những triệu chứng của cuộc khủng hoảng thời kỳ hậu thặng dư lương thực.
Những người mập chắc sẽ không trở nên ốm ngay lập tức nhưng tác động của giá lương thực cao đối với những người đói khổ nhất thế giới chắc chắn là hết sức khủng khiếp.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn