Bốt soát vé giữa “non thiêng” Yên Tử: Ai quản chuyện thu phí danh lam thắng cảnh?

(Dân trí) - Đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, của địa phương. Luật giao cho địa phương căn cứ vào đặc điểm kinh tế của địa bàn quyết định.

soat-ve-yen-tu-1552277128117.jpg

Trạm thu phí tham quan thắng cảnh và di tích Yên Tử ở lưng chừng núi gây ngỡ ngàng đối với nhiều du khách.

Liên quan đến chuyện thu phí tham quan danh thắng Yên Tử gây xôn xao dư luận vừa qua, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Luật phí và lệ phí, một số khoản phí giao cho UBND tỉnh, thành phố trình HĐND tỉnh quyết định.

"Đúng hay không đúng thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, của địa phương chứ phía Bộ Tài chính không quyết định mức thu cao hay thấp được. Theo Luật giao cho địa phương căn cứ vào đặc điểm kinh tế của địa bàn quyết định", ông Thi nói.

Khi được hỏi về con số thu chi, ông Thi cho hay: "Việc thu chi thực hiện theo luật ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương. Bộ Tài chính là cơ quan làm chính sách cơ chế thu thôi, mà phí là thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của HĐND tỉnh, địa phương".

Trước đó, phía Bộ VHTT&DL, ông Nguyễn Thái Bình – Chánh Văn phòng cũng cho rằng, việc thu phí và lệ phí lĩnh vực văn hóa thể thao du lịch đã có quy định rất rõ. Nếu công trình đó thuộc sự quản lý cấp trung ương thì do Bộ Tài chính quy định, còn công trình cấp địa phương quản lý thì do HĐND tỉnh quyết định.

"Việc thu phí tham quan danh thắng Yên tử thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và mức thu theo quy định của Bộ Tài chính, Bộ VHTT&DL không liên quan đến sự việc này nên không thể phát ngôn cụ thể", ông Bình cho hay.

Yên Tử là danh thắng nổi tiếng nằm trên danh giới giữa Quảng Ninh, Bắc Giang. Việc quản lý di tích lâu nay được nhà nước giao cho Quảng Ninh phụ trách. Từ trước đến nay, người dân có thói quen đi tham quan Yên Tử theo đường Bắc Giang. Tuy nhiên, gần đây, hàng loạt du khách hành hương lên Chùa Đồng theo hướng Tây Yên Tử (Sơn Động - Bắc Giang) đã vô cùng ngỡ ngàng khi bị chặn lại trước bốt thu phí yêu cầu mua vé tham quan khi cách đỉnh “thiêng” khoảng 700m.

Trên thực tế, từ năm 2018, quần thể di tích danh thắng Yên Tử thuộc huyện Đông Triều - Quảng Ninh cũng đã tiến hành thu phí tham quan trên đỉnh núi, đoạn cách chùa Đồng 700m. Giá vé giá vé người lớn là 40.000 đ/lần và trẻ em là 20.000 đ/lần/người (từ 7 đến dưới 16 tuổi).

Điều đáng nói là ngay dưới chân núi Yên Tử cũng đã có một trạm bán vé thu phí và du khách đã phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí tham quan di tích trước khi lên đỉnh núi. Việc thu phí hai lần cho một chuyến hành hương về đất Phật khiến người dân hết sức bức xúc và phản đối.

Lý giải về cơ sở pháp lý của việc thu phí này, UBND thành phố Uông Bí dẫn hàng loạt quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật về phí và lệ phí cho biết, khoản thu phí thăm quan, vãng cảnh khu di tích, danh lam thắng cảnh và rừng quốc gia Yên Tử là một khoản thu của ngân sách nhà nước.

Theo UBND thành phố Uông Bí, tại kỳ họp tháng 7/2017 của HĐND tỉnh (Khoá XIII), 100% đại biểu nhất trí thông qua đề án và ban hành Nghị quyết số 88/2017/NQ-HĐND về việc quy định thu phí, lệ phí, trong đó có nội dung thu phí tham quan, vãng cảnh khu di tích, danh lam thắng cảnh và rừng quốc gia Yên Tử.

UBND thành phố Uông Bí cũng viện tới cơ sở thực tiễn là hiện nay, trên địa bàn cả nước có hàng ngàn khu di tích, đền, chùa và danh lam thắng cảnh có quy mô khác nhau đang được pháp luật cho phép thu phí để duy trì hoạt động của bộ máy quản lý, trùng tu, tôn tạo các hạng mục, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đồng thời có đóng góp cho ngân sách địa phương như: Di tích chùa Hương, chùa Bái Đính, Côn Sơn - Kiếp Bạc, vườn Quốc gia Cát Tiên, rừng Quốc gia Cúc Phương…

“Mặt khác, một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… hiện nay cũng đang tổ chức thu phí thăm quan các di tích và danh lam thắng cảnh đối với du khách đến thăm quan”, UBND thành phố Uông Bí viện dẫn.

Phương Dung

banner_chan-bai.gif