Bốn đại dự án yếu kém của Tập đoàn Hoá chất: Hết lỗ là bán!

(Dân trí) - Theo kế hoạch của Vinachem, tập đoàn này sẽ thực hiện thoái hết vốn khỏi Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP - Vinachem, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem và Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình sau khi các doanh nghiệp này hết lỗ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Theo nhìn nhận của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), năm 2018 được đánh giá là năm bản lề trong tái cơ cấu. Sau khi đề án tái cơ cấu Vinachem được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, “ông lớn” ngành hoá chất đã xây dựng phương án và lộ trình cụ thể đối với công tác cổ phần hoá và thoái vốn.

Cụ thể, Vinachem sẽ trình Bộ Công Thương ban hành quyết định cổ phần hoá ngay trong quý I này và quý II/2018 đối với Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam; Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Các công việc sau quyết định cổ phần hóa sẽ được Vinachem khẩn trương thực hiện để sớm hoàn thiện lộ trình tái cấu trúc.

Đối với công tác bán vốn, tập đoàn này cho biết sẽ thoái hết toàn bộ phần vốn tại 15 doanh nghiệp, gồm: Công ty CP Xà phòng Hà Nội, Công ty CP Pin Ắc quy Vĩnh Phú, Công ty CP Ắc quy Tia sáng, Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam, Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty CP Xuất nhập khẩu Hóa chất miền Nam, Công ty CP Sơn Tổng hợp Hà Nội.

Các doanh nghiệp khác là Công ty CP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang, Công ty CP Pin Hà Nội, Công ty CP Vật tư và Xuất nhập khẩu Hóa chất, Công ty CP Cảng đạm Ninh Bình, Công ty CP Công nghiệp Hóa chất Tây Ninh, Công ty CP Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng, Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng mỏ, Công ty CP Thiết kế Công nghiệp Hóa chất cũng trong danh sách này.

Vinachem sẽ rút chân khỏi dự án Đạm Ninh Bình khi hết lỗ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả
Vinachem sẽ rút chân khỏi dự án Đạm Ninh Bình khi hết lỗ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả

Hiện, Vinachem có 4 doanh nghiệp đang gặp khó khăn là Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP - Vinachem, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem và Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình. Dự kiến, tập đoàn này sẽ thực hiện thoái hết vốn sau khi các doanh nghiệp hết lỗ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Báo cáo của Vinachem mới đây cho thấy, các dự án này hiện đã có những chuyển biến tích cực với việc đi vào hoạt động, mở rộng thị trường tiêu thụ, kết quả sản xuất kinh doanh cải thiện. DAP – Vinachem có triển vọng thoát khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ.

Ngoài ra, theo lộ trình thực hiện của Vinachem, tập đoàn này sẽ nắm giữ từ 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại 7 doanh nghiệp.

Cụ thể, sẽ giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ tại Công ty CP Phân lân Ninh Bình là 51% và Công ty CP Thuốc sát trùng Việt Nam là 51%. Đồng thời, bán bớt một phần vốn tại 5 doanh nghiệp đang nắm giữ 51% vốn điều lệ là Công ty CP Hơi Kỹ nghệ Que hàn, Công ty CP Hóa chất Việt Trì, Công ty CP Hóa chất Cơ bản miền Nam, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển.

Sau khi bán bớt một phần vốn, tỷ lệ nắm giữ của Vinachem sẽ là 36% tại 9 doanh nghiệp gồm: Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam, Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Cao su Sao vàng, Công ty CP Phân bón Bình Điền, Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cẫn Thơ, Công ty CP Phân bón miền Nam, Công ty CP Bột giặt Net, Công ty CP Bột giặt Lix và Công ty CP Pin Ắc quy miền Nam.

Theo khẳng định của Vinachem, việc cổ phần hóa và thoái vốn sẽ được tập đoàn này thực hiện theo đúng kế hoạch và lộ trình. Đồng thời, bảo đảm việc bán đấu giá cổ phần lần đầu, thoái vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn, bán bớt vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch theo đúng quy định pháp luật, nhằm bảo toàn vốn và phát triển vốn đã đầu tư.

Bích Diệp

Bốn đại dự án yếu kém của Tập đoàn Hoá chất: Hết lỗ là bán! - 2