Bội chi hơn 41.000 tỷ đồng, nghĩa vụ trả nợ ở mức cao

(Dân trí) - Quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2013 của Chính phủ cho thấy, bội chi ngân sách năm 2013 vượt mức trần Quốc hội ấn định hơn 41.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao, trong năm 2015, dự báo nghĩa vụ trả nợ ở mức cao.

Chiều nay 20/5, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo quyết toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013 trước Quốc hội.

Dữ liệu do Bộ trưởng Tài chính cung cấp cho thấy, dự toán thu NSNN 816.000 tỷ đồng, tuy nhiên, con số quyết toán lên tới 828.348 tỷ đồng, tăng 1,5% (tương đương 12.348 tỷ đồng) so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ dầu thô và tăng thu tiền sử dụng đất.

Về chi NSNN, theo dự toán chi NSNN là 978.000 tỷ đồng, song thực tế quyết toán là 1.088.153 tỷ đồng, tăng 11,3% (tương đương 110.153 tỷ đồng) so với dự toán. Chi NSNN tăng chủ yếu tăng chi đầu tư phát triển, khoảng 96.680 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài nước, nguồn bổ sung từ dự phòng ngân sách theo chế độ và nguồn năm trước chuyển sang.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. (Ảnh: mof.gov.vn)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Tại Nghị quyết số 32/2012/QH13, Quốc hội quyết định mức bội chi NSNN 162.000 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP, sau đó được Quốc hội điều chỉnh mức bội chi là 195.500 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP vào năm 2013. Tuy nhiên, quyết toán số bội chi là 236.769 tỷ đồng, vượt 41.269 tỷ đồng so với mức Quốc hội đã điều chỉnh, bằng 6,6% GDP thực tế, do tăng chi từ nguồn vốn ODA là 29.422 tỷ đồng và tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng 13.190 tỷ đồng phát sinh năm 2011, nên theo quy định phải tăng mức bội chi ngân sách tương ứng.

Trước những số liệu trên, theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển, tình hình thu, chi NSNN năm 2013 chưa thật sát thực tế. Việc xử lý nợ quỹ hoàn thuế và tăng chi từ vốn ODA đã làm tăng mức bội chi và đẩy nợ công tăng nhanh so với mức nợ công đã báo cáo Quốc hội.

Ông Hiển cho rằng: Việc tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế để bảo đảm tính trung thực, minh bạch của quyết toán NSNN là hợp lý. Việc tăng chi ODA do giải ngân tăng nhanh là một kết quả tích cực, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế, song Chính phủ chưa báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội là chưa phù hợp với Luật NSNN.

Tuy nhiên, sau khi xem xét báo cáo quyết toán NSNN năm 2013 đã được cơ quan Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, xác nhận đúng đắn, Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy, đây là số đã phát sinh, do vậy, đề nghị Quốc hội cho phép quyết toán số tiền này.

Cụ thể, tổng số thu cân đối NSNN năm 2013 là 1.084.064 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2012 chuyển sang năm 2013, thu kết dư ngân sách địa phươngnăm 2012, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN). Tổng số chi cân đối NSNN là 1.277.710 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2013 sang năm 2014). Bội chi NSNN 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 43.123 tỷ đồng).

Trong phiên khai mạc buổi sáng, đánh giá về báo cáo của Chính phủ, Uỷ Ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: Nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao, trong năm 2015, dự báo nghĩa vụ trả nợ ở mức cao.

Theo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030: Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Theo báo cáo số 2289/BC-UBTCNS13 ngày 18/10/2014 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu NSNN năm 2015 dự kiến ở mức 31%.

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo điều hành, thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Từng bước xử lý hiệu quả các khoản mà ngân sách còn nợ.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước trong điều kiện giá dầu thế giới biến động; Phấn đấu giữ bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi Quốc hội quyết định; Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, quản lý chặt chẽ nợ công, bảo đảm trong giới hạn cho phép.

Nguyễn Hiền



         

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”