Bò viên làm từ... gà, heo thối
Một cơ sở ở huyện Bình Chánh, TP HCM đã sử dụng nguyên liệu hôi thối và cả chất cấm để sản xuất bò viên cung cấp cho các chợ, quán ăn vỉa hè
Không biết thịt hết “đát”
Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, đây là cơ sở sản xuất có quy mô lớn nhưng không treo bảng hiệu bên ngoài. Bên trong, mặt bằng khá rộng nhưng cơ sở vật chất xập xệ, nhiều dụng cụ chứa đựng thực phẩm đã cũ, gỉ sét; 1 container có lắp máy lạnh để làm kho chứa nguyên liệu. Cơ sở có 5 công nhân đều cởi trần, mặc quần đùi tham gia chế biến trực tiếp. Tại khu nguyên liệu, thịt vụn (không rõ bò hay heo) bầy nhầy bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi thoải mái bu vào khiến nhiều thành viên trong đoàn kiểm tra dù đã đeo khẩu trang nhưng không chịu nổi phải ra ngoài… thở rồi mới vào làm việc tiếp.
Thịt gà đông lạnh hết hạn sử dụng mà chủ cơ sở cũng không hay biết
Trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Bảo xuất trình có ghi ngành nghề là sản xuất bò viên nhưng “chỉ hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm”. Tuy nhiên, Bảo cho biết do buôn bán ế nên không có ý định làm lâu dài và cũng không rành về thủ tục nên chưa hoàn tất giấy chứng nhận theo quy định.
Đáng chú ý, dù thành phẩm là bò viên nhưng nguyên liệu đầu vào chủ yếu là gà đông lạnh, mỡ heo và tinh bột mì, bột ngọt, chất tạo mùi bò và một ít vụn bò. Tại cơ sở còn đang trữ 6 thùng thịt gà đông lạnh xuất xứ Brazil (mỗi thùng khoảng 15 kg) có hạn sử dụng 1 năm nhưng đã hết “đát” gần 3 tháng. Chủ cơ sở khai được mối chở đến giao cách đây 3 ngày với giá 32.000 đồng/kg và... rất bất ngờ khi hàng hết “đát”.
Tràn lan phụ gia bị cấm
Kết quả kiểm tra hàng hóa thực tế cho thấy tại cơ sở này đang chứa tới 1.202 kg bò viên thành phẩm (gấp 3 lần lượng khai bán hằng ngày). Lượng thịt tươi, đông lạnh và thịt xay đang chờ đưa vào chế biến cũng lên tới gần 1,1 tấn và đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Ngoài thịt, đoàn kiểm tra cũng ghi nhận có 3,5 bao sodium benzoate “made in China” không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, là phụ gia bị cấm dùng đối với nhóm sản phẩm chế biến từ thịt nhưng được cho vào chế biến với mục đích chống mốc. Chưa hết, cơ sở còn sử dụng đường có xuất xứ Thái Lan và bột ngọt Trung Quốc đều không hóa đơn chứng từ cũng như nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản ghi nhận hàng loạt vi phạm tại đây, gồm: không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, nhân viên không khám sức khỏe và tập huấn kiến thức, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, nguyên liệu hết hạn sử dụng, cơ sở có điều kiện vệ sinh thực phẩm không đạt, sử dụng giếng nước khoan không qua xử lý, không có biện pháp chống côn trùng…
Đoàn liên ngành buộc cơ sở ngừng hoạt động ngay lập tức và tạm thời giao chính quyền địa phương giám sát. Đối với tang vật gồm thịt sống, thịt xay, thành phẩm và phụ gia, nguyên liệu khác không rõ nguồn gốc, chủ hàng đã có đơn xin tự nguyện tiêu hủy mà không cần xét nghiệm.
Đến chiều cùng ngày, lãnh đạo Trạm Thú y huyện Bình Chánh cho biết cơ quan chức năng phối hợp với chủ hàng đã giám sát tiêu hủy toàn bộ lô hàng trên (hơn 2,5 tấn) tại bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Ngoài ra, cơ sở còn bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi nêu trên. Đây được xem là vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm lớn nhất bị phát hiện ở huyện Bình Chánh từ đầu năm đến nay.
TP HCM muốn đặt chuẩn rau, thịt an toàn Ngày 9/6, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, cho biết TP rất mong muốn xây dựng được các quy chuẩn về cung cấp rau, thịt an toàn như một nước nhập khẩu nhưng phải làm thận trọng trên cơ sở tham khảo ý kiến các địa phương khác và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện TP đã có một quy định riêng như cấm kinh doanh gia cầm sống tại chợ; sản phẩm gia cầm bán ra thị trường phải có bao bì, nhãn mác. Ông Trung nêu nhiều vướng mắc hiện nay trong việc truy xuất nguồn rau, thịt tại nơi tiêu thụ chủ yếu chỉ căn cứ trên lời khai của chủ hàng. Ví dụ, heo được thương lái gom từ các địa phương khác sau đó xin giấy chứng nhận kiểm dịch nên thông tin không xác định được hộ chăn nuôi cụ thể mà chỉ có tên xã, huyện nơi xuất phát lô hàng. V.Ngọc |
NLĐ