Bộ trưởng Vinh: “Cái gì có lợi cho đất nước thì phải làm bằng được!”

(Dân trí) - Khẳng định quan điểm: “những gì có lợi cho đất nước, cho môi trường kinh doanh của Việt Nam thì phải làm cho bằng được”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hy vọng, tư tưởng đổi mới sẽ vẫn tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo ngành kế cận phát huy, bởi đây là một sự nghiệp lâu dài.

Tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), nói về nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, “chúng tôi sẽ nghiên cứu xây dựng và kiến nghị có tính đột phá về cải cách thể chế, đề xuất về đổi mới tư duy và quan điểm phát triển”.

Đồng thời, Bộ KH-ĐT cũng sẽ kiến nghị “đổi mới vai trò của nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, đổi mới quan hệ giữa vai trò của Nhà nước và thị trường” và làm rõ nội hàm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, qua đó, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất thuộc mọi thành phần kinh tế, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Trao đổi thêm với báo chí, Bộ trưởng cũng chia sẻ, kết thúc nhiệm kỳ này, ông sẽ nghỉ hưu, tuy nhiên, ông hy vọng, tư tưởng đổi mới sẽ tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo kế cận phát huy, vì đổi mới là một sự nghiệp lâu dài.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngành Kế hoạch và đầu tư (ảnh: MPI)
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngành Kế hoạch và đầu tư (ảnh: MPI)

Trong nhiệm kỳ của mình, cùng với Bộ KH-ĐT, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Cụ thể, trong nhiệm kỳ điều hành của Bộ trưởng Vinh, Bộ KH-ĐT đã chủ động tham mưu, đề xuất, xây dựng trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị 1792 (2011) khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư công, giảm thất thoát.

Trên cơ sở đó, Bộ KH-ĐT cũng đã chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu, Luật đầu tư công, tạo cơ sở pháp lý để triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đồng thời, Bộ cũng tham mưu xây dựng kế hoạch trung hạn về vốn trái phiếu Chính phủ và kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Vinh cho biết, đây là một trong những giải pháp quan trọng để đổi mới công tác quản lý, sử dụng và tái cơ cấu đầu tư công, tạo điều kiện cho các cấp, các ngành chủ động cân đối vốn, quản lý và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, giảm thất thoát, lãng phí.

Theo đó, các lãnh đạo Bộ ngành, địa phương sẽ biết được “trong tay có bao nhiêu tiền” để cân đối thu-chi hợp lý và không xảy ra tình trạng “xin-cho” ngân sách hàng năm.

Tư tưởng chuyển từ kế hoạch phân bổ ngân sách hàng năm sang kế hoạch đầu tư công trung hạn được đánh giá là “một bước đột phá về tư duy trong công tác lập kế hoạch”.

Trước lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Chính phủ và ngành đầu tư, ông Vinh khẳng định quan điểm nhất quán của Bộ KH-ĐT trong công tác điều hành, đó là “những gì có lợi cho đất nước, cho môi trường kinh doanh của Việt Nam thì phải làm cho bằng được!”

Về cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ KH-ĐT cũng đã góp công lớn thông qua việc đề xuất Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngoài ra, việc huy động và sử dụng vốn ODA cũng đã có những bước chuyển biến rõ rệt về “chất” khi Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) thường niên 1993-2012 đã bắt đầu được chuyển thành Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) kể từ năm 2013.

Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam với cộng đồng các đối tác phát triển, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh phát triển mới, khi Việt Nam đã bước vào ngưỡng cửa quốc gia có thu nhập trung bình. Tại các diễn đàn này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT là đồng chủ tọa cùng với Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Bích Diệp

 

Bộ trưởng Vinh: “Cái gì có lợi cho đất nước thì phải làm bằng được!” - 2