Bộ trưởng, Thứ trưởng không được đi công tác nước ngoài quá 2 lần trong năm
(Dân trí) - Theo Chỉ thị mới nhất của Bộ Tài chính, Lãnh đạo chủ chốt (bao gồm cả Lãnh đạo Bộ) và cán bộ của đơn vị, không đi công tác nước ngoài quá 02 lần một năm và không cử 02 lãnh đạo chủ chốt tham gia cùng một đoàn, trừ một số trường hợp cụ thể.
Bộ Tài chính vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTC về nâng cao hiệu quả công tác quản lý và thực hành tiết kiệm trong việc tổ chức đoàn đi công tác nước ngoài.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu cấp uỷ đảng, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính nghiêm túc thực hiện các quy định trong chỉ thị.
Cụ thể, hàng năm, Thủ trưởng các đơn vị phải xây dựng kế hoạch hoạt động đối ngoại (đoàn ra, đoàn vào), kể cả các đoàn ra, đoàn vào của Dự án tài trợ, viện trợ không hoàn lại và trình cấp có thầm quyền phê duyệt theo đúng quy định.
Khi xây dựng kế hoạch (đoàn ra, đoàn vào), phải báo cáo đánh giá kết quả, hiệu quả của đoàn ra của năm trước; xác định nhiệm vụ của năm sau phải cụ thể, đảm bảo sát đúng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, yêu cầu đối ngoại và hội nhập quốc tế, phù hợp với khả năng tài chính của đơn vị.
Kế hoạch đối ngoại cần xác định rõ: nội dung từng đoàn công tác, đơn vị chủ trì và thành phần tham dự, dự kiến số ngày làm việc và thời gian làm việc tại nước ngoài, dự kiến kinh phí cho đoàn công tác theo chế độ quy định; việc xây dựng kế hoạch (đoàn ra, đoàn vào) cần tập trung vào các hoạt động thực sự cần thiết; phải ưu tiên bố trí kinh phí cho các đoàn tham dự hội nghị đa phương, đàm phán song phương, các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, hợp tác phục vụ cho nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính và của đơn vị.
Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị không cử đoàn đi công tác nước ngoài không nằm trong kế hoạch, trừ các trường hợp đột xuất, cần thiết; không cử đoàn đi giao lưu, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài không thiết thực bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Không tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài từ nguồn kinh phí các dự án (trừ các dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn kinh phí không hoàn lại), kinh phí từ các nguồn vốn vay ODA, vay nước ngoài và các nguồn tài trợ khác để đi công tác ở nước ngoài.
Đối với việc cử cán bộ tham gia đoàn công tác của các Bộ, ngành liên quan, đơn vị được mời phải báo cáo Bộ Tài chính chương trình, nội dung, mục đích cụ thể của chuyến công tác, thể hiện được vai trò và sự cần thiết của đại diện Bộ Tài chính khi tham gia đoàn.
Thủ trưởng các đơn vị được phân cấp cử công chức, viên chức đi công tác nước ngoài tuyệt đối không cử quá 01 đoàn đi công tác cùng thời gian, địa điểm, nội dung trong cùng một nước đến trong thời gian 03 năm; không đi quá 03 nước trong cùng một chuyến công tác.
Lãnh đạo chủ chốt (bao gồm cả Lãnh đạo Bộ) và cán bộ của đơn vị, không đi công tác nước ngoài quá 02 lần một năm và không cử 02 lãnh đạo chủ chốt tham gia cùng một đoàn (trừ trường hợp tham gia các đoàn tháp tùng, tùy tùng theo yêu cầu của cấp trên, làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế hoặc đàm phán, Hội nghị thường niên do yêu cầu công tác).
Khi cử công chức, viên chức đi công tác nước ngoài, Thủ trưởng đơn vị phải báo cáo cụ thể về nội dung công tác, kinh phí, số lần công chức, viên chức tham gia công tác ở nước ngoài.
Thủ trưởng đơn vị không cử đi công tác nước ngoài đối với các trường hợp tự ý liên hệ hoặc gợi ý để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng quản lý mời đi công tác hoặc du lịch.
Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, Thanh tra Chính phủ vừa hoàn thiện kết luận thanh tra việc cử đoàn đi nước ngoài giai đoạn 2012 - 2016 của 4 bộ ngành, 6 địa phương và đã trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Theo kết luận, trong giai đoạn 2012-2016 (thời gian tương đương một nhiệm kỳ), các Bộ Tài chính, Công Thương, Thông tin Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 20 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài. Sáu tỉnh là Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Giang ban hành 22 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài.
Các đơn vị này đã cử trên 17.500 đoàn, gần 53.000 lượt cán bộ với tổng kinh phí trên 1.200 tỷ đồng. Trong đó 4 bộ ngành cử trên 14.600 đoàn, gần 42.000 lượt cán bộ và tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.
Kết luận của cơ quan thanh tra nêu, Bộ Công Thương dẫn đầu trong danh sách cử các đoàn đi công tác; đứng thứ hai là Bộ Tài chính. Hầu hết các bộ ngành, địa phương đều có lãnh đạo đi nước ngoài quá 2 lần mỗi năm, vẫn có đoàn bố trí hai lãnh đạo chủ chốt của cùng bộ, địa phương đi chung đoàn; có đoàn số lượng trên 10 người đi, thời gian hơn 10 ngày; nhiều lãnh đạo cơ quan tham gia các đoàn do doanh nghiệp mời; nhiều đoàn có thành phần tham gia là người chuẩn bị nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu (mang tính tri ân).
Phương Dung