Bộ trưởng Thăng: Cổ phần hóa - Giám đốc, Phó Giám đốc sợ mất chức

(Dân trí) - “Tâm tư”, “sợ mất chức”... là những vấn đề mà Bộ trưởng Thăng cho biết vấp phải tại các DNNN được cổ phần hóa. Đồng thời, ông cũng đề xuất, muốn thực hiện cổ phần hóa một cách hiệu quả thì dứt khoát phải bán trọn lô chứ không thể chào bán lẻ tẻ như hiện tại.

Toàn cảnh cuộc họp giao ban về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (ảnh: VGP)
Toàn cảnh cuộc họp giao ban về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (ảnh: VGP)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Bộ Tài chính "tuýt còi" yêu cầu giảm giá sữa

* Mẫu biệt thự vườn với thiết kế nội thất đẹp

* Hé lộ khả năng Nam A Bank "về một nhà" với Eximbank

* [Infographics] Thông tin về các nạn nhân vụ rơi máy bay Germanwings

* Liên tiếp 3 dự án tỷ USD đi vào hoạt động

* Nội thất “khủng”, Sofa tiền tỷ... đổ bộ thị trường Hà Nội

Góp phần tham luận tại cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp diễn ra chiều 26/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã đưa ra kiến nghị được cổ phần hóa toàn bộ các đơn vị trong lĩnh vực y tế, giáo dục do Bộ quản lý. 

Theo Bộ trưởng Thăng, “chỉ có cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp thì mới giảm được biên chế cũng như giảm được tiêu cực”.

Bộ trưởng kể, khi thực hiện cổ phần hóa Bệnh viện GTVT thì “từ lãnh đạo bệnh viện đến bác sĩ, nhân viên y tế cũng tâm tư” nhưng bây giờ thì quá trình thực hiện lại rất tốt, “tranh nhau đăng ký mua cổ phần” và theo đó, chắc chắn sẽ thực hiện thành công. Bộ trưởng Thăng dự tính, trong thời gian cổ phần hóa, thu nhập bình quân của các bộ công nhân viên bệnh viên sẽ vào khoảng 20 triệu đồng/tháng, gấp đôi so với hiện nay. 

Bộ trưởng Thăng cũng đề cập đến vấn đề “tế nhị” khi cổ phần hóa, nhất là trong khâu tư tưởng của lãnh đạo DNNN phải bán cổ phần. Ông cho biết, “trước khi cổ phần hóa thì Giám đốc, Phó giám đốc chỉ sợ mất chức, nhưng khi khẳng định được mình có tài thì họ vẫn tiếp tục đảm nhiệm công việc. Còn nếu thực sự không có tài thì anh buộc phải ra đi để người khác làm thôi!”.

Tại cuộc họp với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, “tư lệnh” ngành giao thông vận tải cho biết, một bất cập trong cơ chế thoái vốn hiện nay đó là vẫn chưa có hướng dẫn về chào bán trọn lô. 

Theo Bộ trưởng, với mục tiêu sau cổ phần hóa, thoái vốn, các doanh nghiệp tiếp tục phát triển, việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua cổ phần, nhận chuyển nhượng cổ phần để tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp có vai trò quyết định. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu đề ra văn bản hướng dẫn về việc bán trọn lô cổ phần để triển khai thực hiện. “Nếu không bán trọn lô mà bán lẻ tẻ thì sẽ không có nhà đầu tư lớn nào quan tâm cả” – ông Thăng phân tích.

Riêng Bộ GTVT đề xuất được bán trọn lô cổ phần tại các công ty mẹ - tổng công ty bao gồm: TCT Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor), Cienco 6, Cienco 5, các công ty con của TCT Đường sắt Việt Nam.

Bộ trưởng Thăng cũng đề nghị Bộ GTVT được chủ động lựa chọn nhà đầu tư phù hợp để bán thỏa thuận trực tiếp trọn lô cổ phần. Ông khẳng định, nếu được phép, Bộ sẽ trực tiếp đàm phán và chắc chắn chọn được nhà đầu tư tốt, đáp ứng được các điều kiện về năng lực tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động.

Toàn cảnh cuộc họp giao ban về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (ảnh: VGP)
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Nếu không có cơ chế bán trọn lô sẽ rất khó thu hút nhà đầu tư tham gia cổ phần hóa

Cùng quan điểm, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cũng nhận xét, nhà đầu tư khi tham gia mua cổ phần thường mong muốn nắm được tỷ lệ cao trong doanh nghiệp, từ đó mới có sự thay đổi về mặt quản trị một cách sâu sắc hơn. Việc cho đấu giá trọn lô là khâu quan trọng để tạo ra được sự thay đổi. Do vậy, Ủy ban Chứng khoán cho rằng các Bộ nên làm thí điểm trọn lô để đánh giá và ban hành quy chế đấu giá trọn lô mẫu.

Đề xuất này cũng nhận được sự đồng thuận của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận. Thủ tướng nhấn mạnh, đối với những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần thì phải thoái toàn bộ, tạo sức hấp dẫn. “Tôi bỏ tiền vào đầu tư mà anh vẫn chi phối, anh quyết hết, hoạt động không hiệu quả thì tôi đầu tư làm gì” – Thủ tướng phân tích.

Cũng tại cuộc họp này, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng cho phép được lựa chọn thời điểm phù hợp để thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các Tổng công ty Cienco 6, Cienco 5, Xây dựng Đường Thủy, Xây dựng Thăng Long, CTCP Cảng Nghệ Tĩnh, và tiếp tục thoái hết vốn tại Công ty mẹ TCT Vận tải Thủy, Tư vấn thiết kế GTVT. 

“Quan điểm của lãnh đạo Bộ GTVT là không giữ một đồng vốn nào ở những TCT này. Thoái hết, để tư nhân làm sẽ hiệu quả hơn. Không phải lo rằng quá nhiều DNNN hoạt động trong lĩnh vực này, lo trớp tráp, lãng phí, tham nhũng, không quản được. Giao cho tư nhân thì doanh nghiệp sẽ hoạt động được lành mạnh, người lao động được hưởng lợi còn Nhà nước cũng chỉ lo về việc kiểm tra giám sát chứ không phải lo đến những công việc thực hiện cụ thể” – Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Liên quan đến việc bán vốn Nhà nước tại cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng, Bộ trưởng Thăng nhận định, đây là 2 cảng lớn nhưng hiệu quả rất thấp, “rất nặng nề, rất cồng kềnh”, khi cổ phần hóa thì vấp phải nhiều phản đối vì bề dày của Cảng Hải Phòng đã trên 100 năm, “không biết là nếu thuộc về tư nhân thì sẽ như thế nào”. 

Tuy nhiên, “vấn đề là thành phố Hải Phòng, nhân dân Hải Phòng họ cần có một cảng lớn mạnh chứ không quan trọng đó là của nhà nước hay của tư nhân” – Bộ trưởng Thăng quả quyết. Do đó, ông đề nghị Ban Chỉ đạo sớm có ý kiến về vấn đề này.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”