1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bộ trưởng Phát: Vì lợi ích của hàng triệu nông dân, không vì 40 doanh nghiệp!

(Dân trí) - Liên quan đến việc siết đăng ký thuốc bảo vệ thực vật, Bộ trưởng Cao Đức Phát quyết giữ quan điểm siết đăng ký tên thuốc bảo vệ thực vật bất chấp có hơn 40 doanh nghiệp phản đối.

Trong thời lượng chất vấn khá ngắn ngủi sáng nay sau khi nghe 5 bản báo cáo dài, nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội chủ yếu dành cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa Vũng Tàu) chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát về quy định tại Thông tư 21, theo đó chỉ được đăng ký một hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Đại biểu cho biết, đa số lần lấy ý kiến, các doanh nghiệp thuốc BVTV đã đề nghị bỏ quy định này. Kể từ khi Thông tư 21 được ban hành cho đến nay có 43 doanh nghiệp Việt Nam và Hội doanh nghiệp thuốc BVTV tiếp tục gửi kiến nghị phản đối.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát. Ảnh: Đầu tư

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát. Ảnh: Đầu tư

1.700 hoạt chất, mỗi doanh nghiệp chỉ đăng ký 1 tên đã nhiều rồi

Tại phần trả lời của mình, Bộ trưởng Phát cho biết, trước khi Thông tư 21 ban hành thì trên cả nước lưu hành 4.100 tên thuốc bảo vệ thực vật với 1.700 hoạt chất.

“Chúng tôi thấy số lượng này nhiều quá nên bà con nông dân và cán bộ quản lý đều gặp khó khăn khi chọn thuốc cho cây trồng…Tên thuốc không phải là tiếng Việt mà phần lớn là những cái tên kể cả cán bộ chuyên ngành cũng rất khó nhớ” – tư lệnh ngành NNPTNT giãi bày.

Để chấn chỉnh tình hình này, Bộ NNPTNT đã quyết định phải siết chặt lại, trong đó quy định mỗi tổ chức cá nhân chỉ đăng ký một loại tên thuốc. “Có nghĩa là nhiều doanh nghiệp có thể đăng ký 1 loại tên cho cùng 1 loại thuốc, 1 loại hoạt chất, như vậy cũng là nhiều rồi”.

Bộ trưởng Phát cho rằng, nếu bỏ quy định này, cho thoải mái thì sẽ càng làm rối loạn thêm, gây khó khăn cho nông dân và cơ quan quản lý.

“Thay cái này, thêm cái kia vào là đổi thành 1 cái tên. Tôi được báo cáo là có trường hợp thuốc xuống cấp thì lại được đổi tên” – Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Phát cũng khẳng định, số lượng “40 doanh nghiệp phản đối chưa phải là đa số”. Bộ sẽ xem xét kỹ các ý kiến của các doanh nghiệp, nhưng tinh thần là vẫn xin phép Quốc hội siết chặt quản lý để đảm bảo lợi ích của hàng triệu người nông dân.

Theo ông, điều này có liên quan rất lớn đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi người dân còn gặp khó khăn trong việc lựa chọn phương thuốc, sử dụng thuốc cho đúng liều, đúng bệnh, đúng lúc đúng cách…thì chất lượng nông sản chưa được đảm bảo.

Nghe xong phần trả lời của Bộ trưởng Phát, đại biểu Tuyết vẫn chưa thỏa mãn. “Bộ trưởng nói hơn 43 doanh nghiệp chưa nhiều thì không biết bao nhiêu là nhiều?” – đại biểu truy.

“Quy định hạn chế như vậy là không thống nhất với quy định của Luật bảo vệ và kiểm định thực vật vì không biết Thông tư cao hơn Luật hay Luật cao hơn Thông tư? Hơn 5.000 cái tên, Bộ trưởng trả lời việc giảm xuống rất khó thì mỗi giai đoạn dùng khác nhau và liều lượng khác nhau, nhẹ dùng ít, nặng dùng nhiều, còn khống chế như thế này thì tôi không hiểu nổi!” – vị đại biểu lật lại vấn đề.

Đáp lại, Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục nhấn mạnh: “Chúng tôi cho là phải siết lại để cho nông dân có được thuốc tốt, đạt kết quả. Còn nếu thả ra quá rộng rãi thì sẽ không giúp ích nhiều”.

Ông cho biết, Bộ NNPTNT cũng đã đặt ra yếu tố có sự cạnh tranh. Có tới 1.700 hoạt chất, mỗi doanh nghiệp chỉ đăng ký 1 tên thì đã rất nhiều.

Con số “vênh” nhau là do thời điểm công bố

Trong phiên làm việc sáng nay, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) và đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng thắc mắc về diện tích trồng rừng bù đắp tại các dự án thủy điện. Ông Vở yêu cầu các Bộ giải thích về những con số “nhảy múa” về diện tích trồng rừng.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc các con số “vênh” nhau là do thời điểm công bố và các bộ cũng đã gửi lên Quốc hội danh sách dự án cụ thể.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong năm 2015 bắt buộc phải trồng 8.696 ha diện tích rừng bù vào phần diện tích mà các doanh nghiệp đã dùng để làm thủy điện. Ngoài ra, còn phải trồng 20.715 ha bù đắp phần rừng mà các doanh nghiệp đã lấy nhằm các mục đích khác không phải thủy điện; lấy rừng để làm cơ sở hạ tầng là 25.872 ha. Ngân sách phải bỏ tiền ra để trồng bù.

Đại biểu Trương Văn Vở đánh giá, việc đầu tư đổi mới công nghệ thời gian vừa qua chưa đạt được những chỉ tiêu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Chính phủ đã quy định triển khai thực hiện Luật công nghệ cao nhưng tới thời điểm này các doanh nghiệp nói chung, kể các doanh nghiệp công nghiệp, nông nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi vẫn rất khó khăn, do vấn đề tiêu chí chưa rõ ràng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương không phải là cơ quan có thẩm quyền xét duyệt cấp vốn cho những doanh nghiệp, dự án này.

Trong thời gian sớm, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ rà soát lại trình Chính phủ xem xét phê duyệt tiêu chí đối với doanh nghiệp công nghệ cao để doanh nghiệp không phải vất vả, mất nhiều thời gian và gặp phiền hà khi đề nghị xem xét công nhận.

Bích Diệp

 

Bộ trưởng Phát: Vì lợi ích của hàng triệu nông dân, không vì 40 doanh nghiệp! - 2