Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Người Việt Nam đang thích hàng Việt Nam"

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, chúng ta từng khuyến khích "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" nhưng đến bây giờ, người Việt Nam đang thích hàng Việt Nam và tiến tới là rất thích.

"Bây giờ người Việt Nam đang thích hàng Việt Nam"

Tham dự hội nghị tổng kết ngành công thương diễn ra sáng nay (7/1), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - ông Nguyễn Xuân Cường - đã có những nhận xét khá thú vị về nỗ lực ngành công thương.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Người Việt Nam đang thích hàng Việt Nam - 1

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Nguyễn Xuân Cường tham dự hội nghị tổng kết ngành công thương diễn ra sáng 7/1.

Theo ông Cường, từ một nền công nghiệp phiến diện, không đầy đủ, đến bây giờ chúng ta tự hào có một nền công nghiệp, đặt biệt là công nghiệp tiêu dùng, hàng hóa tràn ngập, cung ứng đầy đủ cho 100 triệu dân.

Đáng chú ý, ông Cường cho biết chúng ta từng khuyến khích "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhưng đến bây giờ người Việt Nam đang thích hàng Việt Nam, tiến tới rất thích.

"Đây là sự vượt bậc của ngành công nghiệp, đây là những việc lớn, là dấu ấn đặc biệt", ông Cường nhận xét.

Cũng theo ông Cường, trong ngành nông nghiệp có những thiết bị mà trước đây không biết nhập khẩu ở đâu nhưng bây giờ khá đầy đủ, toàn trang thiết bị hiện đại do Việt Nam chế tạo, sản xuất. Về lĩnh vực điện năng, chúng ta cung ứng đủ điện cho sản xuất-sinh hoạt, đó là cố gắng lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhắc đến những thành tựu đáng khích lệ trong việc đàm phán, thực hiện các hiệp định thương mại tự do thời gian qua. Đến hiện tại, Việt Nam có 15 FTA.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Bộ Công Thương thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc đàm phán, ký kết, triển khai các FTA. "Chưa giai đoạn nào mà ký nhiều FTA như thế", ông Dũng nhận định.

3 khó khăn lớn năm 2020

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ 3 khó khăn, thách thức lớn vừa trải qua trong năm 2020.

Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp ngay từ những ngày đầu năm đã tác động rất sâu sắc tới nền kinh tế Việt Nam - là nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu rộng cùng nền kinh tế thế giới; làm đứt gãy chuỗi cung ứng và thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam.

"Cho tới tận thời điểm này, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục tạo nên những khó khăn vô cùng to lớn cho kinh tế - thương mại toàn cầu với những biến chủng mới của virus corona đã được phát hiện, đang tạo nên làn sóng thứ 3 của dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới", Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thứ hai, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, năm 2020 ghi nhận nhiều diễn biến thiên tai cực đoan, xảy ra trên nhiều vùng miền của cả nước, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng tại một số địa phương.

Thứ ba, tình hình kinh tế - chính trị trong khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, nhanh và khó lường hơn trước; đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đơn phương và xu hướng bảo hộ, xung đột thương mại tiếp tục gia tăng đã tạo ra thách thức rất lớn đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2020.

Dù đứng trước hoàn cảnh đặc biệt như vậy, song theo Bộ trưởng Công Thương, nền kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng, tăng trưởng kinh tế chung của cả nước ở mức 2,91%.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Người Việt Nam đang thích hàng Việt Nam - 2

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành công thương diễn ra sáng 7/1.

"Xuất khẩu đạt được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại", Bộ trưởng Tuấn Anh nói.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 vẫn tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đo, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt là các Hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA…

Bước sang năm 2021, ông Tuấn Anh cho biết tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhanh và khó lường hơn trước; xu hướng bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục diễn ra gay gắt; đặc biệt là dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp...

Do vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh "tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trước tiên phải bảo đảm, vì sự an toàn và ổn định, phát triển của đất nước".