Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam sẽ là nước phát triển nếu bắt kịp CMCN 4.0
(Dân trí) - "Nếu có chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ vượt lên thành nước phát triển. Trong chuyển đổi số của Cách mạng công nghiệp 4.0, cách mạng về chính sách thể chế nhiều hơn về công nghệ. Đây sẽ càng là lợi thế của Việt Nam khi có Đảng lãnh đạo có thể đưa ra quyết sách lớn, nhanh và tập trung", ông Hùng nhấn mạnh.
Khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên toàn thể Diễn đàn Diễn đàn cấp cao và Triển lãm về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng nay 3/10 tại Hà Nội.
Theo người đứng đầu Bộ Thông tin, Cách mạng 4.0 là chuyển đổi số các quan hệ trong nền kinh tế. Chuyển đổi số sẽ hình thành các mối quan hệ mới, đây là thách thức lớn nhất nhưng cũng chính điều này sẽ giúp phát huy hiệu quả chuyển đổi số.
Chấp nhận cái mới phụ thuộc vào nhận thức nhưng những nước đi sau có lợi thế. Các nước đi sau ít gánh nặng quá khứ cả về hạ tầng vật chất, thể chế nên có thể nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số", ông Hùng nói.
"Nếu có chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ vượt lên thành nước phát triển. Trong chuyển đổi số, cách mạng chính sách thể chế nhiều hơn về công nghệ. Đây sẽ càng là lợi thế của Việt Nam khi có Đảng lãnh đạo có thể đưa ra quyết sách lớn, nhanh và tập trung", ông Hùng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng phải đi nhanh, đi đầu.
Ông Hùng khẳng định: "Chúng ta có thể làm được vì văn hóa người Việt ham học hỏi, sáng tạo".
Vị này cho rằng, doanh nghiệp công nghệ thông tin chính là hạt nhân của chuyển đổi số. Đồng thời, Việt Nam cần hàng trăm doanh nghiệp công nghệ thông tin bởi điều này sẽ giúp sáng tạo ra các sản phẩm "Make in Vietnam", hình thành doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Hùng, năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh đi trước giúp Việt Nam nằm trong tốp 50 quốc gia đứng đầu về chuyển đổi số vào 2025, tốp 30 vào 2030. Trong đó nhấn mạnh tới thể chế, hạ tầng, an ninh mạng...
"Việt Nam muốn phát triển số, Việt Nam trước hết phải là quốc gia đảm bảo an toàn an ninh mạng. Cũng như chuyển đổi số là chặng đường dài, kéo dài hàng thập kỷ, liên quan tới hàng vạn người", ông Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh đến yếu tố dẫn dắt, nền tảng của Nhà nước, của Chính phủ: "Chuyển đổi số quốc gia muốn đi nhanh thì Chính phủ phải đi đầu, phải đi tiên phong trong chuyển đổi số. Việt Nam có thể đẩy nhanh số hóa trong các lĩnh vực, cạnh tranh trong từng lĩnh vực, hướng tới các nền công nghiệp mới".
Ông Hùng nói: Trong Cách mạng 4.0, doanh nghiệp có cơ hội bứt phá nhưng phải là tư duy mới, không truyền thống, không làm theo tuần tự. Cả nhà nước và doanh nghiệp cũng cần tư duy mới trong cách tiếp cận.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được Chính phủ giao là đầu mối xây dựng chiến lược đổi mới, sáng tạo quốc gia cho biết, Việt Nam cần một nguồn lực to lớn, một kế hoạch hành động hiệu quả, thiết thực đồng thời cần có sự tham gia của cả xã hội, nhất là các doanh nghiệp, và sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tin rằng: Việt Nam sẽ đạt được một bước tiến vượt bậc về kinh tế và khoa học công nghệ, tạo ra sự thay đổi căn bản trong mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay: Cách mạng 4.0 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương
Ông Bình khẳng định: "Tham gia Cách mạng 4.0 sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai".
Trưởng Ban kinh tế trung ương khẳng định: Để Việt Nam không bỏ lỡ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngoài những nỗ lực tự thân của mình, chúng tôi cần sự giúp đỡ, hợp tác và chia sẻ của các nước cũng như các doanh nghiệp quốc tế.
"Với tinh thần xác định “nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”, Việt Nam mong muốn được mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác về khoa học, công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đang đi đầu trong cuộc Cách mạng 4.0", Trưởng Ban Kinh tế trung ương nói.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Be Group cho biết, doanh nghiệp rất vui mừng khi được biết Đảng đã ban hành nghị quyết 52. "Vai trò của Chính phủ là cực kỳ quan trọng để giúp thúc đẩy hiện thực hoá các định hướng này, và cũng giúp để Việt Nam có các DN lớn mạnh trong giao đoạn CMCN 4.0 nà", ông Hải nói.
Theo ông Hải, Chính phủ cần có các chính sách kích thích đầu tư sâu và rộng các lĩnh vực CSDL lớn, máy học, trí thông minh nhân tạo. Vì để hiện thực hoá nghị quyết này, đất nước chúng ta phải có đầy đủ nguồn lực về con người lẫn nền tảng nhằm thúc đẩy sự phát triển. "Ví dụ như các chính sách thuế thu nhập cá nhân cho các nhân sự ngành hoặc các chính sách ưu đãi thuế cho các DN đang đầu tư sâu", ông Hải nói.
Ông Hải cũng đề nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích khối DN tư nhân tham gia đầu tư và phát triển các ứng dụng sáng tạo và đầu tư vào các nền tảng CN 4.0 và chia sẻ hệ sinh thái để tận dụng toàn bộ nguồn lực xã hội.
"Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh ý tưởng sanbox của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khi tiếp cận các dịch vụ mới thay vì cấm đoán. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên có các chế tài không chế như không gian, thời gian, hay thị phần trong khuân khổ sanbox hay thí điểm này. Tránh để vài DN trong cơ chế thí điểm lại trở thành DN để có thị phần to nhất vì đang được hưởng các cơ chế pháp lý mở, và tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh. Ví dụ cụ thể là việc nhanh chóng ban hành nghị định 86 để có thể có khung pháp lý minh bạch hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải áp dụng CN 4.0", ông Hải nêu.
Nguyễn Tuyền