Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Phấn đấu tăng trưởng quý IV đạt 7,6-8%

Ninh An

(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu tăng trưởng quý IV đạt khoảng 7,6-8%, tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.

Nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét dù chịu những ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3.

Ông nêu cụ thể 10 nhóm kết quả nổi bật về tình hình kinh tế xã hội trong quý III và 9 tháng vừa qua. Tăng trưởng GDP quý III ước đạt 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn 0,7% so với kịch bản tại Nghị quyết số 01. Tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,82%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,2%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, dịch vụ tăng 6,95%.

Nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng cao như Bắc Giang (13,89%), Thanh Hóa (12,46%), Lai Châu (11,63%), Hà Nam (10,89%). Một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 vẫn giữ được đà tăng trưởng cao như Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%), Lào Cai (7,71%), Cao Bằng (7%), Yên Bái (7,15%).

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép. Chỉ số CPI 9 tháng tăng 3,88% so với cùng kỳ năm 2023. Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 9 tháng tăng 16,3%, 15,4% và 17,3%. Xuất siêu ước đạt 20,8 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội phục hồi qua từng quý, quý III tăng 7% so với cùng kỳ. 9 tháng tăng 6,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư FDI đăng ký trong 9 tháng đạt khoảng 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 8,8%; khách quốc tế 9 tháng khoảng 12,7 triệu lượt người, tăng 43%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Phấn đấu tăng trưởng quý IV đạt 7,6-8% - 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại cuộc họp sáng 7/10 (Ảnh: Nhật Bắc/VGP).

Phấn đấu GDP năm 2024 đạt và vượt 7%

Mặc dù đánh giá cao những xu hướng tích cực của nền kinh tế, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ông nhấn mạnh các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn, thách thức, cần quyết liệt hơn nữa để cải thiện, tháo gỡ.

Về phía cung, cơn bão số 3 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc. Cần đẩy mạnh, tiếp tục triển khai hiệu quả, kịp thời các giải pháp hỗ trợ để sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế tác động tiêu cực đến tăng trưởng quý IV và đầu năm 2025.

Về phía cầu, tốc độ phục hồi đầu tư còn chậm, nguồn lực đầu tư của khu vực Nhà nước chưa được thúc đẩy, kích hoạt một cách hiệu quả, 9 tháng chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 15,9%).

Bên cạnh đó, xuất khẩu dự báo có thể khó khăn hơn trong thời gian tới, nhất là từ đầu năm 2025 trước áp lực cạnh tranh từ các nước có cơ cấu sản xuất, xuất khẩu tương đồng với Việt Nam gia tăng. Do đó, thị trường trong nước cần được quan tâm, thúc đẩy, khai thác hiệu quả hơn để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tăng cường khả năng chống chịu với các thách thức từ bên ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trên cơ sở kết quả quý III và 9 tháng, với tăng trưởng GDP tương ứng là 7,4% và 6,82%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2024.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu tăng trưởng quý IV khoảng 7,6-8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.

Kiến nghị này dựa trên 6 yếu tố gồm xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế, sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc cần sớm khắc phục hậu quả bão số 3, phục hồi nhanh hơn. Đầu tư của khu vực Nhà nước phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Các điểm sáng về thu hút FDI và xuất khẩu giữ vững tốc độ tăng tích cực.

Ngoài ra còn cần thúc đẩy và khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa, đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế. Các cơ quan quản lý ban hành và triển khai hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật mới.