Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Khaisilk làm xấu đi hình ảnh doanh nghiệp làm ăn chân chính

(Dân trí) - “Chúng ta không chấp nhận việc dùng hàng ngoại dán nhãn thương hiệu sản phẩm trong nước làm giảm uy tín, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tại buổi lễ ra mắt Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân diễn ra tối ngày 30/10 tại Hà Nội, khi đề cập đến sự cố của Khaisilk, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, Khaisilk đang làm xấu hình ảnh doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương kiểm soát chặt chẽ vấn đề hàng giả, gian lận thương mại trong đó có vụ việc của Khaisilk
Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương kiểm soát chặt chẽ vấn đề hàng giả, gian lận thương mại trong đó có vụ việc của Khaisilk

Theo ông Dũng, vụ việc như Khaisilk làm ảnh hưởng không tốt, ảnh hưởng xấu tới thương hiệu và uy tín của các doanh nghiệp trong nước. Hiện Thủ tướng đã giao cho Bộ Công Thương kiểm soát chặt chẽ vấn đề buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trong đó có vụ việc này. Đặc biệt là quản lý thị trường cần vào cuộc kiểm soát chặt chẽ hiện tượng này.

Thông tin mới nhất vụ Khaisilk, sau cuộc họp với các bên liên quan, chiều 30/10 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu gửi hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra là Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội để làm rõ vụ việc đối với cơ sở kinh doanh hàng dệt may do bà Nguyễn Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, địa chỉ số 113 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội (nơi phát sinh vi phạm).

Bộ Công Thương cũng mở rộng vụ việc, khi quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện các cơ quan liên quan: công an, hải quan, thuế, khoa học công nghệ, Hiệp hội dệt may, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng và các đơn vị trong Bộ để tiến hành kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.

Cũng theo nguồn tin của Dân Trí, tại cuộc họp với các bên liên quan về báo cáo kết luận kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, "Bộ trưởng phê bình báo cáo của Cục Quản lý thị trường thiếu trách nhiệm, làm báo cáo sơ sài và không làm đúng trọng trách của mình trong vụ việc này", nguồn tin của Dân trí cho biết.

Quyết định bổ sung thành viên Hội đồng tư vấn và thành lập riêng một Ban nghiên cứu về phát triển kinh tế tư nhân sau thời gian rất ngắn là kết quả đối thoại với doanh nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần 2 điều này thể hiện sự quyết liệt và tinh thần “nói đi đôi với làm” của người đứng đầu Chính phủ

Theo ông Mai Tiến Dũng, việc thành lập Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống.

Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân do ông Trương Gia Bình làm Trưởng ban. Các ông Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghị sự toàn cầu về ASEAN, Diễn đàn Kinh tế thế giới làm Phó Trưởng ban.

Nhiệm vụ của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân là nghiên cứu và tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân gắn với mục tiêu kinh tế quốc gia, thiết lập bộ máy giúp việc, huy động nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng và Chính phủ giao.

An Linh