1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ trưởng Hoàng: “Yếu kém trong quản lý, dự báo làm hàng tồn kho tăng cao”

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, những yếu kém, hạn chế trong công tác quản lý, dự báo đã tác động lớn đến vấn đề tồn kho hiện nay.

Sáng nay 12/11, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng “ngồi ghế nóng”.

Tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận được 13 ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội, trong đó tập tung vào việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết hàng tồn kho, quản lý thị trường, tiêu thụ nông sản cho nông dân…

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi về vấn đề hàng tồn kho đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương. Đại biểu Hoàng nêu dẫn chứng về những con số hàng tồn kho lớn như: 40 triệu m2 gạch ốp lát, 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 300.000 tấn thép, hàng chục triệu tấn xi măng và nhiều loại sản phẩm khác…

Theo đánh giá của đại biểu, ngoài lý do lãi suất cao, thị trường chậm phát triển, sụt giảm còn có nhiều nguyên nhân do yếu kém trong triển khai quy hoạch và cập nhật, dự báo tình hình để dư thừa sản phẩm ở mức cao; do tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư, đẩy giá thành sản phẩm lên cao đến mức không thể cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại cùng loại.

Trước thực trạng này, đại biểu cho rằng, chúng ta đã “thua cuộc chơi ngay trên sân nhà” và chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong vấn đề này và giải pháp đột phá để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp do hàng tồn kho lớn thời gian tới thế nào?

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng (ảnh: Việt Hưng).
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng (ảnh: Việt Hưng).

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định trong thời gian vừa qua, kể từ kỳ họp thứ 3, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, việc thực hiện các giải pháp của các Bộ ngành và chỉ đạo của Chính phủ, tình hình giải quyết hàng tồn kho, hàng ứ đọng nhìn chung đã có chuyển biến.

Theo Bộ trưởng dẫn chứng, tính thời điểm vào 1/6/2012, chỉ số tồn kho lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo là 26% thì tới 1/10 đã giảm xuống còn 20% và nếu so với chỉ số hàng tồn kho 1/10/2011 và 1/20/2010 thì chỉ số hàng tồn kho còn thấp hơn.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tồn kho lớn tập trung chủ yếu vào một số loại vật liệu xây dựng, sắt thép, một số chủng loại phân bón, và than đá. Với 5 nhóm hàng hóa này, các Bộ ngành và doanh nghiệp đã có hướng giải quyết.

Cụ thể, đối với than đá hiện tồn kho đến 1/10 khoảng 6,5 triệu tấn than quy chuẩn, tương đương 19%. Ngành than đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp trong đó có điều chỉnh giảm giá than theo cơ chế thị trường. Đặc biệt quyết định giảm thuế xuất khẩu của Chính phủ từ 20% xuống 10% nhằm đẩy mạnh xuất khẩu than. Theo đó, ngành than dự kiến đến cuối năm sẽ đưa tồn kho xuống mức bình thường, tức là khoảng 15%.

Về tồn kho ngành thép, Bộ trưởng cho biết, hiện ngành thép tồn kho 190.000 tấn. Bộ trưởng thừa nhận tồn kho thép cao có một phần nguyên nhân từ việc kiểm tra kiểm soát chưa chặt chẽ trong quy hoạch khiến công suất dư thừa, thép nhập ngoại tăng lên do giá thấp hơn.

Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện một số giải pháp như duy trì cấp giấy phép nhập khẩu tự động để điều hành linh hoạt và khống chế được thép nhập khẩu, đang xem xét điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu thép. Bên cạnh đó, cùng với Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh các dự án đầu tư.

Về tồn kho phân bón, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, do tính chất thời vụ dẫn tới có lượng tồn kho lớn. Tuy nhiên, bước vào vụ sản xuất Đông - Xuân sẽ giúp lượng tiêu thụ tốt hơn cho nên hoàn toàn không đáng lo ngại.

Về tồn kho vật liệu xây dựng, Bộ trưởng lý giải nguyên nhân liên quan tới bất động sản và các công trình xây dựng. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tăng cường giải ngân các dự án đầu tư công, tháo gỡ khó khăn từng bước trong lĩnh vực bất động sản.

Với các biện pháp trên, Bộ trưởng tin tưởng rằng những vấn đề về tồn kho vật liệu xây dựng và bất động sản sẽ được tháo gỡ từng bước.

Tuy nhiên, ngay sau phần trả lời này của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thẳng thắn nhắc nhở: “Câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng là hỏi khác. Đại biểu muốn hỏi nguyên nhân về qui hoạch, dự báo, quản lý Nhà nước về giá thành… làm cho hàng của ta tồn kho”.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, những vấn đề đại biểu hỏi có liên quan đến các Bộ ngành khác như Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Xây dựng… và đề nghị các Bộ trưởng khi tham gia trả lời chất vấn cần chú ý đến nội dung chính của câu hỏi. Bởi, các vấn đề đại biểu đưa ra lần này không mới, nhưng cách đặt câu hỏi mới, đòi hỏi câu trả lời chất lượng hơn.

Tiếp thu góp ý góp ý của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong phần trả lời sau đó đã bám sát nội dung câu hỏi. Bộ trưởng cũng thừa nhận, những yếu kém, hạn chế trong công tác quản lý, dự báo đã tác động lớn đến vấn đề tồn kho hiện nay.

Bộ trưởng bày tỏ: “Công tác dự báo của chúng ta còn có những hạn chế, yếu kém. Trong đó có vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có cảnh báo, khuyến cáo cho các doanh nghiệp, nếu thấy tình hình có thể dẫn đến dư thừa sản phẩm, tránh tình trạng cứ sản xuất dẫn đến dư thừa”.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm