1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Hàng tồn kho đã giảm”

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, chỉ số tồn kho trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo giảm từ 34,9% xuống còn 20,3%. Tính chung 3 tháng qua, chúng ta đã giảm được 14,6% lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (ảnh: Việt Hưng).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (ảnh: Việt Hưng).

Báo cáo trước Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trong ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Tại thời điểm 1/10/2012, chỉ số tồn kho trong công nghiệp chế biến chế tạo giảm từ 34,9% xuống còn 20,3%, qua 3 tháng giảm được 14,6 điểm %. Bên cạnh đó, mức tồn kho này cũng thấp hơn cùng thời điểm 2011 (chỉ số tồn kho tại 1/10/2011 tăng 21,1% so với cùng thời điểm 2010).

Còn các mặt hàng có lượng tồn kho cao, theo Bộ trưởng Hoàng là than, sắt thép, phân bón, xi măng. Hiện Bộ Công thương đã có một số giải pháp xử lý.

Về than, thời điểm hiện nay chúng ta tồn kho 19%, cao hơn mức bình thường 4%. Tuy nhiên, trong 3 tháng vừa qua ngành than cũng đã cố gắng giúp được tồn kho ở khoảng hơn 1 triệu tấn. Còn từ nay đến cuối năm sẽ phối hợp nhiều giải pháp, trong đó Chính phủ cũng đã cho phép giảm một số thuế.

Hiện tại, ngành than cũng đã chủ động điều hành theo cơ chế giá theo tín hiệu thị trường, có giảm giá cho một số hộ tiêu thụ. Vì vậy, theo báo cáo của ngành than có thể đến cuối năm mức tồn kho sẽ quay trở lại mức bình thường.

Bên cạnh đó, mặt hàng phân bón hiện cũng tồn kho tương đối cao. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực phân bón, thời điểm này là lúc giao vụ, chuẩn bị vào vụ đông xuân thì nhu cầu về phân bón sẽ tăng lên và khả năng là chúng ta sẽ xử lý được tồn kho trong lĩnh vực phân bón.

Riêng về thép, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận mức tồn kho tương đối cao, tăng xấp xỉ 40% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được Bộ trưởng Hoàng đưa ra là do sản xuất vượt quy hoạch, nhập khẩu lớn khiến cung vượt cầu.

Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đã làm việc với Hiệp hội thép, với Tổng công ty thép Việt Nam để điều chỉnh lại mức sản xuất cho phù hợp. Ngoài ra, Bộ Tài chính đang cùng Bộ Công Thương và các bộ, các ngành xem xét lại để có thể điều chỉnh thuế nhập khẩu cao hơn trong trần mà chúng ta thực hiện theo cam kết với tổ chức thương mại thế giới. “Nếu cộng việc thuế này chúng ta tăng lên cùng với việc ngừng sản xuất, và cộng với thắt chặt kiểm soát nhập khẩu, chúng tôi nghĩ từng bước có thể giải quyết được tồn kho thép”, Bộ trưởng Hoàng dự báo.

Đáp lại ý kiến của đại biểu Quốc hội vì sao về thép Trung Quốc chất lượng thấp mà chúng ta lại cho nhập, Bộ trưởng Hoàng nói: Theo quy định, chúng ta không được áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu nếu như những sản phẩm đó đảm bảo các yêu cầu về chất lượng. Hiện chưa có số liệu nào nói rằng chất lượng của thép Trung Quốc kém hơn thép xây dựng của Việt Nam, mà vừa qua chỉ có tình trạng một số lô hàng nhập khẩu đã bị doanh nghiệp khai thép xây dựng thành thép chế tạo để hưởng mức thuế thấp hơn.

“Đó là hiện tượng gian lận thương mại, chúng tôi cũng đã phối hợp với quản lý thị trường, với Bộ Khoa học - Công nghệ tiếp tục xử lý vấn đề này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Như vậy, theo đánh giá của Bộ trưởng Hoàng, tồn kho đến giờ phút này, riêng đối với lĩnh vực cơ khí chế tạo, chế biến quay trở lại mức tương đối bình thường. Vấn đề hiện nay với những doanh nghiệp trong lĩnh vực này không phải chỉ giải quyết tiếp tục hàng tồn kho mà làm sao để duy trì và phát triển trong chu kỳ tới, tức là trước hết cho năm 2013.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng ( Bình Dương) kiến nghị cần giảm áp lực cạnh tranh của hàng tồn kho với hàng ngoại nhập, nhất là hàng nhập lậu. Đại biểu đặt câu hỏi: “Tại sao thép của chúng ta tốt hơn, đang tồn kho nhiều nhưng ta lại cho nhập thép của Trung Quốc chất lượng kém hơn và tránh được thuế nên có giá thấp hơn? Điều này đang làm ngành thép điêu đứng. Ví dụ điển hình này cho thấy Bộ Công Thương cần thực sự quan tâm giúp doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn”.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm