Hàng tồn kho: Đại hạ giá vẫn khó bán
Trong nhà kho của một doanh nghiệp chuyên sản xuất gia vị tại TP.HCM, sản phẩm đóng chai nhựa và thuỷ tinh sản xuất trong quý 1 và 2/2012 còn chất kín các dãy để hàng.
Theo vị giám đốc công ty này, nếu tốc độ tiêu thụ vẫn cứ ì ạch như hiện nay, phải chín tháng nữa mới bán hết hàng…
Để tránh bị phá sản, doanh nghiệp trên vừa giảm giá chai nước tương chỉ còn 5.500 đồng/300mml, vừa mở rộng việc bán hàng ra các chợ, đưa hàng về các vùng nông thôn, chào hàng bán giá sỉ cho các tiệm ăn… “Qua hai tháng áp dụng hết mọi cách nhưng lượng hàng bán ra tăng không đáng kể vì các doanh nghiệp khác cũng làm như mình”, giám đốc công ty bộc bạch.
Giảm giá không tác dụng
Trong tháng 9 vừa qua, đi đến bất cứ nơi mua sắm nào, cũng có thể thấy các chương trình giảm giá “cực sốc”. Bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc Saigon Food nói có nhiều đơn vị giảm giá 40 – 50% mặt hàng thực phẩm đông lạnh, nhưng rốt cuộc thì ế vẫn hoàn ế. Bà Lâm cho rằng, dường như các biện pháp khuyến mãi, giảm giá lúc này đã “không còn tác dụng”. Người tiêu dùng không có tiền chứ không phải là họ chần chừ vì giá cao hay thấp.
Chín tháng đầu năm nay, bên cạnh giảm giá từ 10 – 20%, Saigon Food nỗ lực tung ra nhiều mặt hàng mới, theo bà Lâm thì cách làm này như là một biện pháp giúp người tiêu dùng đổi món, nhằm tăng doanh số. Ngoài ra, các quy cách đóng gói sản phẩm cũng theo hướng giảm bớt trọng lượng, chẳng hạn như mặt hàng cá viên từ 200 gram/túi giảm xuống còn 100 gram/túi.
“Giảm giá trị đơn hàng cũng là cách giúp người dùng chi tiêu phù hợp hơn”, bà Lâm nói. Doanh số chín tháng của Saigon Food tuy tăng 15%, nhưng lợi nhuận không có, và điều đáng lo là tồn kho nguyên liệu nhập khẩu từ đầu năm vẫn còn đủ bán đến hết năm, trong khi mọi năm công ty phải nhập thêm một đợt nữa để bán mùa tết.
Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) cho hay, lượng hàng tồn kho trong các doanh nghiệp hiện đã tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu từ FFA, doanh nghiệp có hàng đang tồn kho nhiều hiện nay thuộc nhóm nước giải khát (có gas và không gas), thực phẩm đông lạnh và đóng hộp, các loại gia vị…
Ông Nguyễn Chí Nguyện, phó chủ tịch FFA cho rằng việc tồn kho là kết quả của nhiều áp lực suy giảm kinh tế nói chung, dẫn đến sức mua giảm. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ tồn kho lớn, lại yếu thế ở hệ thống phân phối, không cạnh tranh nổi với hàng nhập lậu, tiểu ngạch…
Đối với các doanh nghiệp ngành đường, hiện số lượng tồn kho còn hơn 100.000 tấn và con số tồn kho sẽ còn gia tăng trong các tháng tới vì từ đầu tháng 9 vừa qua đã có nhiều nhà máy sản xuất vụ mới.
Ông Nguyễn Hải, tổng thư ký hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, giá đường RS bán buôn tại nhà máy chỉ còn 15.500 đồng/kg, mức này khiến nhiều nhà máy công suất nhỏ thua lỗ.
Theo ông Hải, doanh nghiệp ngành đường thường trông chờ vào mùa sản xuất thực phẩm tết Trung thu, tết Nguyên đán để tiêu thụ nhưng năm nay, mọi chuyện lại không như mong muốn. Hầu hết nhà máy bán ra đều không đạt kế hoạch.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra còn bi đát hơn. Giám đốc một doanh nghiệp tiết lộ, hiện nay các kho lạnh đã quá tải nên phải áp dụng giảm sản lượng chế biến, chấp nhận để tồn kho cá nguyên liệu ở... dưới ao. “Vài tháng trở lại đây doanh nghiệp chào giá xuất khẩu ở mức không thể thấp hơn được nữa nhưng vẫn không xuất được”, vị này nói. Tám tháng đầu năm 2012, giá trị xuất khẩu cá tra giảm 5%, đạt trên 1,15 tỉ USD mặc cho sản lượng tăng tới 15%.
Giảm thuế cho người tiêu dùng
Gói hỗ trợ cho ngành cá tra, như đề xuất của hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cách nay ba tháng, đến nay vẫn không hồi âm. Doanh nghiệp cho biết, dòng vốn lưu động lúc này như “cục máu đông” bởi hàng hoá không thể xuất khẩu được nên ngân hàng từ chối cho vay mới.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở An Giang tiết lộ: vừa qua có nhiều đơn vị thành lập công ty con ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Mỹ, sau đó bán hàng qua công ty này nhằm có hợp đồng thế chấp vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, bởi hàng đẩy qua cũng không tiêu thụ được, ngân hàng phát hiện dòng tiền không quay về nên từ chối cho vay.
Theo ông Nguyễn Chí Nguyện, phó chủ tịch FFA, hai giải pháp các doanh nghiệp nên làm lúc này là liên kết mạng lưới phân phối giữa doanh nghiệp sản xuất với thương mại, và tự thân doanh nghiệp rà soát lại hoạt động để tiết kiệm chi phí – nhằm tăng khả năng chịu đựng cho qua giai đoạn khó khăn này.
Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan cho rằng, việc mở rộng thêm kênh phân phối cũng đồng nghĩa doanh nghiệp phải chấp nhận những rủi ro nhất định như việc thu hồi vốn chậm, hoà vốn, thậm chí là bị lỗ… Bù lại, khi nắm trong tay kênh phân phối đủ mạnh, doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh tới tay người dùng và quan trọng hơn cả là có thể chủ động được đầu ra cho sản phẩm.
Bộ Công thương cũng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như giảm 50% tiền thuê đất cho cả năm 2013 chứ không chỉ năm 2012 như hiện nay, giảm thuế VAT có thời hạn từ 10% xuống 5% cho các ngành hoá chất, da giày, phân bón, dệt may... Trước đó, doanh nghiệp thuộc nhiều đối tượng được giãn nộp thuế VAT. Trong bối cảnh hàng hoá còn phụ thuộc sức mua quá thấp thì việc giảm thuế VAT, theo doanh nghiệp, là biện pháp kích thích tiêu dùng hữu hiệu.
Ông Văn Đức Mười cho biết mỗi tháng Vissan đang phải nộp thay người tiêu dùng khoảng 10 tỉ đồng thuế VAT. Nếu bây giờ Nhà nước có chính sách không thu khoản này, thì Vissan sẽ thực hiện ngay việc giảm giá 5% trên sản phẩm.
“Tôi nghĩ lúc này Nhà nước cần phải chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng bởi một khi hàng hoá bán ra chậm, dẫn đến tồn kho tăng thì Nhà nước cũng không thu thuế được của doanh nghiệp”, ông Mười nói.
TS Lê Thẩm Dương, đại học Ngân hàng TP.HCM: Doanh nghiệp phải tự cứu là chính
Càng về cuối năm, nền kinh tế càng bộc lộ những tồn tại, vẫn là những câu chuyện lãi cao, nợ lớn, tồn kho. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp cho doanh nghiệp như gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm 50% tiền thuế đất 2012, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp... Đến nay, hàng tồn kho vẫn tăng cao, thì ngoài những chính sách hỗ trợ, tôi cho rằng, trọng tâm vẫn là doanh nghiệp phải tự lo, tự cứu mình. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng vẫn có thể giữ giá bán, trông chờ hỗ trợ của Nhà nước là chưa đúng. Muốn đẩy hàng nhanh ra khỏi kho, doanh nghiệp phải chấp nhận giảm giá. Những cách đưa hàng ra nằm trong tay doanh nghiệp là hạ giá bán, tăng chiết khấu, hoặc lấy hàng đổi hàng, tìm mọi cách thu khoản phải thu, vay ngân hàng giải quyết hàng tồn kho… Doanh nghiệp phải là người tự lo cho bản thân mình, còn Nhà nước chỉ có thể tạo ra một sân chơi và hỗ trợ trong một mức độ vào thời điểm nào đó để không bị ảnh hưởng đến hệ thống mà thôi.
TS Nguyễn Quang A: Doanh nghiệp càng giảm giá càng đỡ lỗ
Tồn kho tăng cao có nghĩa là cung thừa mứa so với cầu, theo tôi, muốn bán được hàng thì doanh nghiệp phải giảm giá bán ra và chấp nhận lỗ. Còn chờ Chính phủ hỗ trợ với các chính sách miễn giảm, kích cầu thì cũng chỉ được một chút và trong ngắn hạn… Một trong những nhóm mắc phải tồn kho lớn là bất động sản. Bất động sản không bán được hàng nhưng giá vẫn ở trên trời. Giá cao như vậy thì làm sao bán nhanh, ai muốn đi vay mua nhà trong khi nền kinh tế sẽ còn gặp khó vài ba năm nữa. Theo tôi, họ giảm giá bán đẩy hàng ra nhanh thì càng giảm lỗ, còn nếu cứ ôm hàng trong khi vẫn phải chịu lãi ngân hàng, chi phí vốn… thì càng mắc kẹt.
Hồng Sương (ghi) |
Theo Hoàng Bảy – Bích Nga
SGTT