Bộ trưởng Giao thông: “Máy bay trượt khỏi đường băng lỗi lớn do phi công!”
(Dân trí) - “Phi công có quyền thực hiện hạ cánh hoặc không. Với chuyến bay VJ322, phi công đã quyết định hạ cánh trong điều kiện thời tiết bất lợi và sự cố đã xảy ra” - Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết.
Chiều nay (15/6), bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã trao đổi với PV Dân trí các vấn đề liên quan tới sự cố hạ cánh của máy bay Vietjet vừa xảy ra.
- Phóng viên: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về sự cố máy bay Vietjet hạ cánh trượt khỏi đường băng Tân Sơn Nhất - TPHCM ngày 14/6?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đây là sự cố hàng không đặc biệt nghiêm trọng.
Nguyên nhân ban đầu có thể nhận định lỗi lớn ở phi công. Khi máy bay hạ cánh, phi công thực hiện theo lệnh cấp phép của cơ quan quản lý bay, nhưng phi công có quyền thực hiện hạ cánh hoặc không.
Với diễn biến thời tiết phức tạp, phi công cần đánh giá đúng tình hình để đảm bảo an toàn cho chuyến bay. Kể cả khi nhận huấn lệnh hạ cánh thì phi công cũng có thể xin chuyển hướng và thực hiện hạ cánh ở sân bay dự bị hoặc phải bay chờ.
Tuy nhiên, trường hợp chuyến bay VJ322, phi công đã quyết định hạ cánh trong điều kiện thời tiết bất lợi và sự cố đã xảy ra. Tổ điều tra sẽ đọc thông tin hộp đen để làm rõ, đặc biệt là quyết định hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất của phi công Vietjet.
- Nhưng trong thông cáo chính thức phát đi, yếu tố thời tiết được nhắc đến là nguyên nhân hàng đầu, thưa Bộ trưởng?
Tổ điều tra sẽ làm rõ sự việc và kết luận. Nếu kết luận xác định là lỗi của hãng và phi công thì việc xử lý sẽ được thực hiện nghiêm khắc theo quy định.
- Trong khai thác hàng không, đặc biệt là hoạt động cất-hạ cánh của một chuyến bay thì không chỉ riêng phi công thực hiện, vai trò điều hành bay của cơ quan không lưu cũng rất quan trọng, thưa Bộ trưởng?
Đúng như vậy. Bộ GTVT đã yêu cầu Tổ điều tra của Cục Hàng không làm rõ nhóm điều hành bay tại Tân Sơn Nhất, làm rõ lệnh của quản lý bay cho phép phi công hạ cánh, các số liệu liên quan đến chuyến bay, điều kiện thời tiết mà quản lý bay nắm được.
Với công tác điều hành bay, kể cả khi ra huấn lệnh cho phép máy bay hạ cánh rồi thì quản lý bay cũng có thể thu hồi và thông báo với phi công không được hạ cánh nếu xét thấy điều kiện hạ cánh bất lợi.
- Nhiều ý kiến cho rằng sự cố xảy ra đặc biệt nghiêm trọng khiến sân bay Tân Sơn Nhất phải đóng cửa đường băng trong nhiều giờ đồng hồ, ngoài hành khách trên chuyến bay gặp sự cố thì hàng trăm chuyến bay của các hãng và cảng hàng không có kết nối đường bay với TPHCM bị ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, đến nay Vietjet vẫn chưa có 1 lời xin lỗi nào. Bộ trưởng có bình luận gì về điều này?
Tôi chỉ nói ngắn gọn thế này, điều đó thể hiện văn hóa hàng không, thể hiện văn hóa ứng xử của hãng hàng không.
- Bộ trưởng yêu cầu khi nào phải kết thúc việc điều tra và công bố kết luận về sự cố?
Tôi yêu cầu phải khẩn trương điều tra và có kết luận trong thời gian sớm nhất có thể.
Công tác điều tra có liên quan tới rất nhiều việc, trong đó quan trọng nhất là đọc thông tin dữ liệu hộp đen, ghi nhận ý kiến đánh giá của chuyên gia... đảm bảo kết quả điều tra chính xác, kịp thời.
Khi có kết luận điều tra, những cá nhân, tập thể nào có liên quan thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Châu Như Quỳnh