1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu vấn đề "sống còn" và gỡ khó cho doanh nghiệp

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - "Vấn đề sống còn của doanh nghiệp là duy trì cung ứng nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa, nhưng đồng thời phải duy trì và đảm bảo được cung ứng về lực lượng lao động" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Vấn đề trên được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương diễn ra hôm nay (8/8).

Doanh nghiệp đang "vượt chướng ngại vật" để có thể tăng tốc 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của hội nghị. "Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải khẳng định là doanh nghiệp và người lao động đang là tế bào quan trọng đóng góp vào phát triển đất nước" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành lao động, thương binh và xã hội đánh giá, thời gian vừa qua, đất nước phát triển có sự đóng góp rất quan trọng của doanh nghiệp. Đặc biệt, chúng ta có một đội ngũ công nhân kỹ thuật tiếp thu nhanh khoa học công nghệ, ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.

"Hiện nay, rõ ràng doanh nghiệp dù đã rất cố gắng nhưng đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất, tôi tạm gọi là giai đoạn "vượt chướng ngại vật" để có khả năng tăng tốc trong thời gian tới, nhất là khi dịch bệnh đang bùng phát lần thứ tư gây tác động mạnh hơn, rộng hơn, đặc biệt là tác động vào khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi các doanh nghiệp sử dụng đông lao động" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu vấn đề sống còn và gỡ khó cho doanh nghiệp - 1

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - phát biểu tại hội nghị ngày 8/8 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Việt Nam không đứng ngoài những "điểm nghẽn" đó là đứt gãy chuỗi cung ứng; tài khóa, tài chính và khủng hoảng về lao động việc làm... Trong đó, doanh nghiệp phải gánh những vấn đề chăm lo cho người lao động là lương, thu nhập, nhu cầu sống tối thiểu, môi trường làm việc, sống và nuôi con cái…

"Đối với các doanh nghiệp hiện nay, vấn đề sống còn là duy trì cung ứng nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa nhưng đồng thời phải duy trì và đảm bảo được cung ứng về lực lượng lao động. Đây là một vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là đối với một số quốc gia hiện nay, mặc dù dân số đông, dân số trẻ nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại cao; lực lượng lao động kỹ năng di chuyển từ thành thị về nông thôn" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và nêu lên một nghịch lý là các chính sách hỗ trợ của chúng ta ổn định nhưng khi lương và thu nhập ở doanh nghiệp thấp thì họ sẽ không mặn mà với việc làm hiện nay. Do đó, cần phải quan tâm tới lực lượng lao động.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy việc đứt chuỗi cung ứng vật liệu, sản xuất, hàng hóa thì chúng ta có thể khắc phục trong một năm hoặc 9 tháng, nhưng đứt chuỗi cung ứng lao động thì có thể mất thời gian gấp 3 lần, tức là ít nhất 27 tháng. Vì vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tái khẳng định đây là vấn đề rất cần được quan tâm.

Trước tình hình nói trên, Bộ trưởng kiến nghị với Chính phủ rà soát lại toàn bộ các chính sách hiện tại; đề xuất các chính sách có tính chất căn cơ, chính sách trước mắt và lâu dài để phục hồi sản xuất, phục hồi doanh nghiệp phát triển, trong đó coi chính sách tài khóa là biện pháp hàng đầu như các nước hiện nay đang thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng kiến nghị Chính phủ ngoài việc chăm lo tiêm vắc xin cho lực lượng tuyến đầu, đối tượng yếu thế, người già thì cần ưu tiên và làm ngay việc hỗ trợ, tập trung tiêm vắc xin cho khu vực tăng trưởng, cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu công nghiệp, lao động trong lĩnh vực tiếp xúc cao, đội ngũ chuyên gia. Đây chính là nền tảng về tăng trưởng.

Bộ trưởng trực tiếp gỡ khó cho doanh nghiệp

Tại hội nghị hôm nay, các doanh nghiệp nêu kiến nghị về 3 vấn đề và tất cả đều được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải đáp thỏa đáng.

Thứ nhất là chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Đây là chính sách thông thoáng nhất hiện nay và đang đi đúng hướng, thiết thực. Quả thật là các địa phương đang giãn cách xã hội đều thực hiện có hiệu quả".

Đối với một ý nhỏ được doanh nghiệp đề cập trong việc triển khai thủ tục là bỏ điều kiện hoàn thành thuế, quyết toán năm 2020 khi vay vốn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đây là quy định, yêu cầu bắt buộc của ngân hàng khi cho vay vốn. Hiện nay, ở tất cả địa phương thực hiện không có vướng mắc về điều kiện này.

"Tôi đề nghị những đơn vị nào có vướng thì có thể bỏ thủ tục này và gửi về ngân hàng chính sách, sau đó ngân hàng chính sách sẽ áp cùng với thuế để chuyển thủ tục, như vậy doanh nghiệp sẽ rất đơn giản thủ tục đi" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra phương án gỡ khó.

Thứ 2 là giấy phép cho lao động nước ngoài được công nhận là chuyên gia. Theo Bộ trưởng, hiện nay về tiêu chí thì Việt Nam rất thông thoáng, chỉ cần có bằng đại học hoặc tương đương, hay có 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này.

"Chúng tôi tiếp thu những khó khăn về chứng nhận, chuyển đổi kinh nghiệm, kéo dài các thủ tục cấp mới. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện, đánh giá và trong tháng 8 này sẽ trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho sửa đổi Nghị định 152 của Chính phủ, để đảm bảo thông thoáng nhất, nhanh nhất và tạo điều kiện tốt nhất cho lao động nước ngoài vào Việt Nam" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Thứ 3 là cho phép áp dụng làm thêm quá 40 giờ trong một tháng. Trong điều 107 Bộ Luật Lao động quy định: "Đối với lao động, không được phép làm quá 40 giờ một tháng".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, xu hướng chung của thế giới là giảm giờ làm và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy nhiên, để gỡ khó cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch, Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần sẽ kiến nghị Chính phủ và Chính phủ sẽ kiến nghị với Thường vụ Quốc hội cho áp dụng, vận dụng Nghị quyết của kỳ họp Quốc hội vừa qua, theo hướng cho phép có thể vận dụng quá 40 giờ trong một tháng nhưng tổng số cả năm thì không quá 300 giờ, để giải quyết ách tắc hiện nay do tình hình giãn cách xã hội.