Bộ trưởng Công thương: “Dưa ùn ứ do khả năng thông quan hạn chế”

(Dân trí) - “Trách nhiệm của Bộ trưởng khi để tư thương gom hàng, ép giá”, “Trách nhiệm với việc dưa hấu ứ đọng ở biên giới”, “Trách nhiệm với việc nông dân được mùa thì rớt giá, người tiêu dùng phải mua hàng đội giá”… đại biểu Quốc hội “truy” Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là người đăng đàn trong phiên chất vấn giữa 2 kỳ họp Quốc hội tại UB thường vụ Quốc hội sáng nay, 1/4.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

“Lỗi” nằm ở trách nhiệm cơ quan nhà nước

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Mã Điền Cư nêu một vấn đề nổi lên trong lĩnh vực quản lý của ngành Công thương là việc thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua nông sản thủy sản, nhiều mặt hàng thu mua rất “bí hiểm” như lá khoai lang, mầm thảo quả, đỉa… gây ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh trong nước. Hiện tượng khác là việc xuất lậu khoáng sản gây thất thu ngân sách.

“Để xảy ra vấn đề có phải do yếu kém trong quản lý nhà nước, từ TƯ đến cơ sở, nhất là vai trò quản lý của Bộ Công thương. Ngoài ra, có phải do Bộ thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong lĩnh vực? Là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào về việc để xảy ra tình trạng này?” – ông Mã Điền Cư hỏi.
Đại biểu Mã Điền Cư yêu cầu Bộ trưởng Công thương trả lời về trách nhiệm điều hành
Đại biểu Mã Điền Cư yêu cầu Bộ trưởng Công thương trả lời về trách nhiệm điều hành.
 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xác nhận, những năm vừa qua xuất hiện tình trạng thương nhân, thương lái nước ngoài thu gom một số loại hoàng hóa nông sản, thủy sản của Việt Nam. Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ NN&PTNN, cơ quan chức năng và địa phương để tìm hiểu, nắm tính hình và có giải pháp cụ thể. 

Ông Hoàng khẳng định, về mặt pháp lý, các thương nhân không có sự hiện diện thương mại ở Việt Nam thì không được thu mua hàng, nếu có phải thông qua các DN Việt Nam. Thực tế có nhiều thương nhân, thương lái chưa thực hiện quy định này. Bộ Công thương đã chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi vi phạm này nên thời gian qua vấn đề đã từng bước cải thiện.

Bộ trưởng Công thương điểm một số mặt hàng có dư luận nổi lên thời gian qua; như vụ thu mua cây huyết đằng ở tỉnh Kon Tum, lá khoai lang ở Vĩnh Long, cây cu li ở Nghệ An, thu mua mầm thảo quả tại Hà Giang, qua xác minh đều xác định là không có như dư luận phản ánh hoặc nếu có cũng đã được giải quyết.

“Chúng tôi đã kiểm tra những thông tin này trên tinh thần cầu thị. Người nông dân không có lỗi trong việc này, vấn đề là trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi chưa làm hết mình hết sức. Hôm nay, chúng tôi xin nhận trách nhiệm của mình về việc quản lý thị trường, dù đã cố gắng nhưng vẫn để xảy ra tình trạng như vậy ở chỗ này chỗ kia” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trần tình.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chưa chịu, cho rằng, bên cạnh xử lý thông tin kiểu “tin đồn” thì chuyện có thực những ngày qua là tình trạng thương lái ép giá dưa hấu của nông dân đưa lên bán tại các cửa khẩu. Hàng ngàn xe dưa hấu đang ứ đọng tại Tân Thanh. Vấn đề đáng bàn là tình trạng này năm nào cũng có, làm người nông dân không yên tâm sản xuất vì bấp bênh, thua lỗ. Đến bao giờ khắc phục được tình trạng này?

Bộ trưởng Công thương xác nhận chuyện ứ đọng mặt hàng này tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, cao điểm là từ 20-26/3 vừa qua. Tình trạng dưa hấu ứ đọng tại cửa khẩu đã diễn ra nhiều năm nay.
Đại biểu Mã Điền Cư yêu cầu Bộ trưởng Công thương trả lời về trách nhiệm điều hành
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: "Người nông dân không có lỗi, vấn đề là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước".

Nguyên nhân được lý giải trước hết vì năng lực thiết kế của cửa khẩu Tân Thanh không đáp ứng được yêu cầu. Mỗi ngày tối đa cửa khẩu này chỉ giải quyết thông quan được cho khoảng 300 xe chở dưa sang biên giới. Cửa khẩu Cốc Nam gần đó cũng chỉ gánh được thêm hơn 200 xe. Trong khi đó, mỗi ngày có đến 1.000-1.800 xe chở dưa kéo về biên giới, xe xếp hàng trên đường, kéo dài đến tận thành phố Lạng Sơn.

Về năng lực quản lý, Bộ trưởng Công thương trình bày, tại cửa khẩu Tân Thanh chỉ có 1 phòng quản lý hàng xuất khẩu form E (hàng không ưu đãi), chỉ có 3 cán bộ, công việc quá tải vì mỗi ngày phải cấp đến hơn 1.000 chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Dù Bộ đã điều động cán bộ lên cửa khẩu để tăng cường nhưng khả năng thông quan hạn chế nên dù tăng tốc độ cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa vẫn không giải quyết được ứ đọng.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng ta thán về tập quán buôn bán của người Việt, nhiều tư thương tự phát đưa hàng lên biên giới mà chưa có hợp đồng, mối bán, lên đến nơi mới tìm khách hàng nên dễ bị ép giá, hàng không bán được.

Giải pháp tình thế đã được áp dụng những ngày qua là mở cửa khẩu thêm 4 giờ mỗi ngày, kéo dài đến 21h đêm, làm việc không kể thứ 7, chủ nhật. Hải quan các cửa khẩu cũng làm việc với phía bạn đề nghị mở thêm một số cửa khẩu như Chi Ma nhưng yêu cầu này không được đáp ứng vì phía bạn chưa trang bị đủ điều kiện vận hành cửa khẩu này.

Ai chịu trách nhiệm thiệt hại của nông dân, người tiêu dùng?

Bộ trưởng NN&PTNN Cao Đức Phát được yêu cầu “chia lửa” với Bộ trưởng Công thương. Từ câu chuyện về dưa hấu, ông Phát trình bày, vì thấy năm ngoái dưa được giá nên nhiều địa phương bà con đã mở rộng diện tích trồng. Vụ dưa năm nay được mùa thì thị trường tiêu thụ lại khó khăn.

Ông Phát khẳng định đã phối hợp chặt với ngành Công thương đề rà soát kế hoạch sản xuất các ngành hàng. Bộ cũng đang cố gắng triển khai chủ trương tổ chức mô hình phối hợp giữa nông dân và doanh nghiệp, để hoạt động sản xuất nhỏ lẻ gắn với tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho sản xuất của nông dân. Tuy nhiên, chủ trương này mới triển khai, phạm vi ảnh hưởng còn hạn chế. Nhiều mặt hàng nông sản người dân làm tự phát nên việc tiêu thụ chưa bám sát yêu cầu của thị trường, giá bán và thu nhập của bà con theo đó chưa ổn định.
  
Đại biểu Mã Điền Cư yêu cầu Bộ trưởng Công thương trả lời về trách nhiệm điều hành
Phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương được tổ chức trực tuyến với đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh thành.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu nghi vấn, có hay không việc thương lái trong nước tiếp tay thương lái nước ngoài làm rối loạn thị trường?

Ông Hoàng nêu quan điểm, hệ thống thương lái trong nước có vai trò quan trọng, là cầu nối giữa nông dân với thị trường xuất khẩu. Thời gian qua, cơ quan chức năng có phát hiện những vi phạm hoạt động về giấy phép kinh doanh của thương lái, DN thương mại trong nước chứ không có hiện tượng bắt tay với thương lái nước ngoài để làm hại sản xuất trong nước.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) truy thêm: “Ai phải chịu trách nhiệm với việc nông dân được mùa thì rớt giá, buộc phải nuốt nước mắt vào trong, bán tháo, thậm chí chấp nhận vứt bỏ những sản phẩm mồ hôi nước mắt cả năm làm ra. Ai chịu trách nhiệm cho việc người dân phải sử dụng những sản phẩm đội giá nhiều lần so với giá bán của người sản xuất dù khoảng cách địa lý không lớn?”.  

Bộ trưởng Công thương thanh minh đã cố gắng xúc tiến thương mại, áp thuế chống bán phá giá… để hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm của bà con nông dân. Tuy nhiên, Bộ có phần trách nhiệm vì chưa làm được hết theo yêu cầu.

Việc giá đến tay người tiêu dùng cao hơn nhiều giá sản xuất, ông Hoàng phân tích, khi xây dựng kinh tế thị trường, trừ những mặt hàng nhà nước quản lý (như xăng dầu, điện) thì người sản xuất, cung cấp sản phẩm thực hiện theo quy định về giá (công khai, niêm yết giá…). Bộ Công thương có trách nhiệm kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh xem bán đúng giá không. Còn cơ cấu giá hợp lý đến đâu, ông Hoàng cho rằng, ngành Tài chính chịu trách nhiệm. Bộ trưởng Công thương “ghi nhận” những chỉ trích, bức xúc của người tiêu dùng đang chịu nhiều thiệt thòi về giá.

P. Thảo
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước