Bộ trưởng Công Thương: Còn bất cập trong điều hành giá xăng dầu
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận việc điều hành giá xăng dầu hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, giá cả diễn biến thất thường.
Điều hành còn nhiều bất cập
Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội sáng ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, về điều hành giá xăng dầu, Chính phủ vẫn kiên trì chủ trương thực hiện giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Cơ chế này vận hành từ năm 2009 đến nay, đã đạt một số kết quả, tuy nhiên theo Bộ trưởng thừa nhận, vẫn còn xảy ra tình trạng diễn biến giá cả thất thường và việc điều hành còn nhiều bất cập.
"Thời gian điều chỉnh tăng giảm giá và thời điểm quyết định tăng giảm giá cùng với một số quy định trong nghị định 84 không phù hợp. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xem xét tổng kết Nghị định 84 trong tháng 12 này, trình Chính phủ xem xét, sửa đổi", Bộ trưởng cho hay.
Nói về trách nhiệm của ngành công thương trong quản lý chất lượng xăng dầu, Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận là có vấn đề khi để xảy ra tình trạng gian lận, xăng chất lượng kém không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tới dài hạn, gây bức xúc trong dư luận.
Theo đó, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng khoa học công nghệ trong vấn đề chất lượng sản phẩm; đồng thời, tham mưu, chỉ đạo với các lực lượng khác trên địa bàn để quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm sai phạm.
Đối với trường hợp trong lực lượng ngành công thương có những cá nhân, đơn vị không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, phẩm chất, đạo đức, Bộ sẽ kiên quyết xử lý kỷ luật hoặc nếu nặng hơn thì sẽ giao cho cơ quan chức năng xem xét.
Tham gia trả lời trong phần điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, thực hiện việc kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 84, Bộ Tài chính chỉ tham gia về điều hành giá. Bộ Tài chính chủ động đánh giá Nghị định 84 và đề nghị Chính phủ cho sửa đổi Nghị định này. Theo lộ trình tháng 12 sẽ sửa đổi, còn thông tư 234 muốn sửa đổi cũng phải dựa trên sửa đổi Nghị định 84.
Về điều hành giá, theo Bộ trưởng Huệ, vừa qua hai Bộ đã báo cáo rõ với ban dân nguyện và khẳng định đã thực hiện đúng theo tinh thần Nghị định 84. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã điều chỉnh 12 lần, trong đó 6 lần giảm và 6 lần tăng, theo đúng biến động của giá thế giới, không gây ra lạm phát tâm lý.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội việc giá xăng dầu giảm 500 đồng/lít vào chiều qua 11/11, là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là biện pháp linh hoạt của 2 Bộ trưởng trước thềm chất vấn, Bộ trưởng Huệ nói: Việc liên Bộ điều chỉnh giá là ngẫu nhiên, đúng thời điểm giá thế giới giảm, không liên quan gì đến việc trước khi Quốc hội họp thì điều chỉnh giá.
Tồn tại thực trạng tạm nhập nhưng không tái xuất
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc xăng dầu tạm nhập nhưng “quên” tái xuất gây thiệt hại bao nhiêu cho Nhà nước, Bộ trưởng Hoàng cho biết: Những năm qua vẫn tồn tại thực trạng cho tạm nhập nhưng tái xuất không hết lượng tạm nhập.
Con số tạm nhập sử dụng tại Việt Nam tương đương 15% tổng tiêu dùng trong nước (15 triệu tấn/m3 xăng dầu). Theo quy định, cơ quan hải quan xem xét quyết định việc để lại hàng tạm nhập để lại tiêu thụ trong nước và chỉ có doanh nghiệp đầu mối mới được tham gia tạm nhập tái xuất.
“Có hiện tượng lợi dụng để chuộc lợi và Bộ Công an đã xử lý nghiêm minh. Đến thời điểm này, Bộ Công Thương chưa có thông tin về giá trị thiệt hại do không thực nghiêm tạm nhập tái xuất là bao nhiêu”, ông Hoàng nói.
Về kiến khi nào có thị tường cạnh tranh xăng dầu của đại biểu Đồng Hữu Mạo, Bộ trưởng Hoàng cho rằng: Theo tinh thần Nghị định 84, chúng ta cho phép tất cả các doanh nghiệp trong nước không phân biệt thành phần kinh tế, nếu có đủ điều kiện về tài chính, kho bãi, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, phân phối… thì đều có thể được xem xét và trở thành các đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Và từ khi có Nghị định 84, chúng ta đã có thêm 4 doanh nghiệp ngoài quốc doanh gia nhập vào cơ cấu các doanh nghiệp được làm đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu, bán lẻ xăng dầu. Như vậy, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Chúng ta đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước cạnh tranh, nhưng chưa cho phép doanh nghiệp nước ngoài vào kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Bản thân doanh nghiệp, nếu có mong muốn tham gia lĩnh vực này cũng phải có biện pháp để từng bước đáp ứng điều kiện theo tinh thần Nghị định 84, Nhà nước không làm thay được”.
Nguyễn Hiền