Bộ trưởng Chuyền “mách nước” người lao động về thưởng Tết

(Dân trí) - Mặc dù thưởng Tết không bắt buộc, song Bộ trưởng Bộ LĐTBXH khuyên người lao động nếu đến thời điểm này chưa có thưởng thì trước tiên cần kiểm tra hợp đồng, nếu trong đó có quy định về thưởng Tết thì phải phản ánh với công đoàn, báo cáo lên Sở LĐTBXH can thiệp.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  
 
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Đây là dịp cao điểm để Nhà nước, Chính phủ tập trung chăm lo chuẩn bị Tết cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo và hộ chính sách. Cùng với đó, các vấn đề về lương thưởng Tết cũng là những mối quan tâm lớn của dư luận.

Tại Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời diễn ra ngày 25/1, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, đến thời điểm này qua kiểm tra giám sát cũng như báo cáo các địa phương, phía Bộ chỉ đến được các đơn vị ở các khu công nghiệp, còn trên cơ sở báo cáo của các địa phương thì trên 80% các doanh nghiệp đã có thưởng Tết Dương lịch cho người lao động ở mức khoảng 1,5 triệu cho một người.

Về thưởng Tết Âm lịch, trong năm 2014 mặc dù kinh tế khó khăn nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều có phương án thưởng – theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, đây là một sự cố gắng của các doanh nghiệp và cần phải ghi nhận. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có thể có một bộ phận doanh nghiệp nào đó còn khó khăn và chưa có thưởng Tết thì Bộ tiếp tục rà soát và trên tinh thần đó nếu doanh nghiệp mà không hỗ trợ được Tết thì trong chỉ đạo của ngành là đề nghị báo cáo với địa phương để hỗ trợ cho người lao động.

“Có một điều cũng phải nói thêm là về thưởng Tết thì trong luật không phải là một khoản bắt buộc, đây là khoản khuyến khích” – Bộ trưởng Chuyền lưu ý. Tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp khi “ăn nên làm ra” thì đều có phương án lương thưởng quy định rõ trong hợp đồng. Trong đó người lao động có quyền giám sát việc thực hiện phương án đó và phương án đó được công khai tại nơi sản xuất. 

Bộ trưởng cho biết, nếu người lao động đến thời điểm này chưa có thưởng thì trước tiên cần kiểm tra lại xem theo hợp đồng đầu năm, doanh nghiệp có khoản thưởng với người lao động không, khoản thưởng đó có công khai ở nơi làm việc không. Nếu có mà chưa thực hiện thì cần phản ảnh với công đoàn để công đoàn đôn đốc với chủ doanh nghiệp để thực hiện. 

Nếu chủ doanh nghiệp khi đã có trong quy chế từ đầu năm rồi mà không thực hiện thì báo cáo với Sở Lao động hoặc Phòng Lao động ở địa phương doanh nghiệp đóng đó để có điều kiện can thiệp để thực hiện đúng quy chế của doanh nghiệp về vấn đề lương thưởng trong hợp đồng với người lao động.

Liên quan đến chăm lo Tết cho người dân nghèo, Bộ trưởng Chuyền cho hay, đến thời điểm này đối với người có công đã được Chủ tịch nước quyết định tặng quà Tết với 2 mức, một mức là 400.000 đồng và 200.000 đồng tùy từng đối tượng. 

Đối với các đối tượng nghèo thì trước mắt Chính phủ chỉ đạo giao cho các địa phương rà soát nắm các đối tượng, phân loại và đảm bảo cho tất cả các người dân phải có Tết. Chính vì vậy có 2 phương thức hỗ trợ: hỗ trợ bằng tiền và hỗ trợ bằng gạo. Để thực hiện vấn đề đó thì ngành lao động đã chỉ đạo các địa phương rà soát, phân loại đối tượng, lập danh sách và báo cáo với lãnh đạo địa phương để quyết định mức hỗ trợ. Trên cơ sở đó, cũng huy động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng tham gia chương trình hỗ trợ.

Về phần mình, Bộ LĐTBXH đã có thông báo gửi các địa phương nắm chính sách, đề xuất và đến nay một số địa phương đã có đề nghị hỗ trợ gạo và Bộ đã trình Thủ tướng để ký và hỗ trợ kịp thời trước Tết. Riêng khoản hỗ trợ đối với người nghèo thì kể cả trong Tết và sau Tết một số hộ còn khó khăn thì một số địa phương cũng đề nghị và Bộ LĐTBXH đã xem xét để trình Chính phủ hỗ trợ các địa phương trên.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”