Bộ trưởng “âm tính” với Covid-19, Hà Nội không thiếu hàng đối phó dịch
(Dân trí) - Sở Công Thương TP Hà Nội khẳng định không thiếu hàng hoá kể cả có 1.000 người nhiễm Covid-19. Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng được xác định âm tính với virus này.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng âm tính với Covid-19
Chiều 7/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có kết quả xét nghiệm âm tính với dịch Covid-19. Ông là vị khách VIP ngồi cùng khoang C với cô gái Hà Nội nhiễm bệnh.
Đây là kết quả bước đầu và sẽ thực hiện các bước xét nghiệm tiếp theo. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, Bộ trưởng cùng đoàn công tác vẫn cách ly ở nhà cho hết 14 ngày.
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đi cùng chuyến bay với nữ bệnh nhân dương tính với Covid-19 tên N. tại Trúc Bạch, Hà Nội.
Không thiếu thực phẩm vì dịch Covid-19
Chiều 7/3, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp gấp về tình hình cung ứng hàng hóa tại Hà Nội ngay sau khi Hà Nội "nóng" lên vì xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết: Đến sáng 7/3, nhiều chuỗi siêu thị đã phải liên tục bổ sung hàng hóa trên kệ. Thậm chí, có siêu thị đã phải chuyển hàng 3 lần trong một buổi sáng. Các kho của siêu thị ở các huyện vùng ven, cũng sẵn sàng mang hàng vào bổ sung.
“Chúng tôi khẳng định Hà Nội luôn luôn đảm bảo đáp ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân. Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con không lo thiếu hàng, mà chỉ mua hàng đúng theo nhu cầu sinh hoạt. Tránh tăng đột biến nguồn cung” - bà Lan nhấn mạnh.
“Sở Công Thương đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của Thành phố trong đó tập trung vào cấp độ 3- 4; đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly của Thành phố” - lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định và cho biết đã xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa tính đến cả trường hợp có 1.000 người nhiễm bệnh.
Ngân hàng dự nợ "khủng" vì Covid-19
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu .
Đến nay, có 23 tổ chức tín dụng báo cáo Ngân hàng Nhà nước, ước tính có khoảng 926 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 tổ chức tín dụng này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
Trong đó một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như: nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…
Thủ tướng: Cấp bách “giải cứu” doanh nghiệp!
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.
NHNN kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng...
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020.
Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020.
Bất thường vụ “chạy ăn từng bữa” lập doanh nghiệp “khủng”
Mới đây, một doanh nghiệp tư nhân tên là USC Interco đăng ký kinh doanh với số vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD) được thành lập ở Hà Nội.
Rà soát quy định thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng được đăng ký kinh doanh với số vốn có thể rất cao nhưng khi không góp đủ vốn thì chỉ bị phạt số tiền rất “nhẹ”. Đây được cho là lỗ hổng trong việc quản lý doanh nghiệp mới.
“Đây là bài học cho việc quản lý đăng ký kinh doanh theo hướng hậu kiểm; phải tăng cường công tác giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh”.
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - cho biết như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều tối nay (3/3).
Giá vàng lại tăng "chóng mặt"
Tuần qua, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com có biên độ tăng 3,9 USD, giao dịch ở mức 1.644 USD/ounce vào ngày 4/3. Trước đó, giá vàng đã tăng vọt gần 50 USD/ounce ngay sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất khẩn cấp.
Fed đã thông báo hạ lãi suất khẩn cấp 0,5% để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế nước số 1 thế giới trước rủi ro do Covid-19 gây ra.
Đây là mức cắt giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Mức lãi suất mới giờ đây ở vùng 1 - 1,25%.
Động thái cắt giảm lãi suất của Fed đã gây bất ngờ đối với thị trường, bởi hầu hết các dự báo trước đó đều nghĩ Fed có sự điều chỉnh trong cuộc họp của Uỷ ban thị trường mở vào ngày 17-18/3, chứ không phải là ngày hôm qua.
Ngay sau động thái của Fed, các thị trường tài chính đều có phản ứng tích cực, trong đó chứng khoán đồng loạt tăng điểm còn vàng tăng vọt từ quanh vùng 1.600 USD/ounce lên trên 1.644 USD/ounce.
Vì sao ngành điện lại không thay đổi giá?
Tại cuộc tọa đàm “Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam” diễn ra chiều ngày 6/3, GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng cách điều chỉnh giá điện hiện nay gây khó cho ngành điện.
“Chúng ta xây dựng kinh tế thị trường. Bản chất đầu vào đầu ra phải tương ứng. Khi đầu vào thay đổi thì đầu ra thay đổi theo”, ông Long nói. Theo ông Long, hiện nay 2-3 năm giá điện mới thay đổi một lần là “kìm” lại một cách không tự nhiên.
Trong khi đó, theo ông Long, giá năng lượng biến động rất nhiều. Khi điều chỉnh dễ bị “nhảy” sốc. Nếu đầu ra trì trệ, chậm chạp so với đầu vào thì mất “tính linh hoạt”.
Theo đó, vị chuyên gia này cho rằng nên nghiên cứu lại, theo đó điều chỉnh 6 tháng/lần. “Giá các ngành khác thay đổi liên tục, vì sao ngành điện thì không?”, chuyên gia đặt vấn đề.
Mai Chi (tổng hợp)