“Chạy ăn từng bữa” lập doanh nghiệp “khủng”: Bài học lớn về hậu kiểm (!?)

(Dân trí) - “Đây là bài học cho việc quản lý đăng ký kinh doanh theo hướng hậu kiểm; phải tăng cường công tác giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh”.

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - cho biết như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều tối nay (3/3).  

Mới đây, một doanh nghiệp tư nhân tên là USC Interco đăng ký kinh doanh với số vốn 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD) được thành lập ở Hà Nội. Rà soát quy định thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng được đăng ký kinh doanh với số vốn có thể rất cao nhưng khi không góp đủ vốn thì chỉ bị phạt số tiền rất “nhẹ”. Đây được cho là lỗ hổng trong việc quản lý doanh nghiệp mới.

“Chạy ăn từng bữa” lập doanh nghiệp “khủng”: Bài học lớn về hậu kiểm (!?) - 1
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (ảnh: Đoàn Bắc)

Về sự việc nói trên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay: Vấn đề đăng ký kinh doanh, đây là thành quả của 20 năm đổi mới, Việt Nam rất nỗ lực, cố gắng để chuyển từ cơ chế xin-cho trước đây sang cơ chế tự chịu trách nhiệm, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm, cũng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển nền kinh tế đảm bảo quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm.

“Việc doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng, trước tiên, cho tôi được đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cán bộ đăng ký kinh doanh của TP.Hà Nội và của Bộ KH&ĐT. Về hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này theo pháp luật là hoàn toàn đúng, trên cơ sở xét duyệt hồ sơ thì không có lý do gì để không cấp đăng ký kinh doanh cho họ. Các cán bộ cũng rất trách nhiệm khi thấy rằng số vốn có quy mô bất thường” - ông Phương thông tin.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng, để tôn trọng quyền đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, đơn vị đăng ký kinh doanh đã ghi nhận và thông báo phối hợp với các cơ quan có liên quan để tiếp tục các thủ tục sau này, đặc biệt là việc thông báo tới người đăng ký kinh doanh là trong 90 ngày phải nộp đủ số tiền cam kết.

“Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi cho đến khi nhận được thông tin về việc người đăng ký doanh nghiệp sẽ sửa đổi hồ sơ hay xin đăng ký lại thì chúng tôi sẽ tiếp nhận theo đúng quy định pháp luật” - ông Phương nói và cho rằng nền kinh tế của Việt Nam đang cơ cấu lại với tầm nhìn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt rất cần doanh nghiệp lớn.

Theo ông Phương, những doanh nghiệp đăng ký số vốn lớn thì các cơ quan đăng ký kinh doanh của các địa phương và của Bộ KH&ĐT sẽ phải quen dần với những con số lớn này. Tuy nhiên, với cơ chế hậu kiểm chắc chắn Bộ KH&ĐT sẽ phải hậu kiểm việc thực hiện chặt chẽ quy định pháp luật hơn nữa, tránh trường hợp các doanh nghiệp đăng ký có thể do vô tình hoặc cố ý đăng ký chưa đúng quy định, làm ảnh hưởng đến việc theo dõi đăng ký kinh doanh.

“Chúng tôi cho rằng, đây là bài học cho việc quản lý đăng ký kinh doanh theo hướng hậu kiểm” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng nêu quan điểm: Ở đây có một điểm quan trọng là phải tăng cường công tác giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh; phải tăng cường công tác hướng dẫn của đơn vị đăng ký kinh doanh, đặc biệt, liên quan đến phần đơn vị tiền tệ trong hồ sơ.

“Khi chúng ta dùng các khái niệm khác nhau (đồng, nghìn đồng, triệu đồng, tỷ đồng) thì ta phải thống nhất lại để chuẩn hoá trong quá trình đăng ký kinh doanh để làm sao tạo điều kiện cho người dân thân thiện với phần mềm đăng ký kinh doanh và dễ quy đổi đơn vị tiền tệ khi đăng ký số tiền của doanh nghiệp” - ông Phương dẫn giải.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT bày tỏ hi vọng rằng với những nỗ lực nêu trên sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn những quy định liên quan đến quản lý doanh nghiệp và thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh. 

Châu Như Quỳnh