1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thanh Hoá:

Bỏ tiền tỷ vào gừng mà không bán được: Sở Nông nghiệp "vào cuộc" giải cứu

(Dân trí) - Liên quan đến tình hình liên kết sản xuất thu mua gừng tại các địa phương trên địa bàn, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã có công văn đề nghị các địa phương rà soát, thống kê cụ thể quy mô, diện tích, phương thức ký hợp đồng, những cam kết thỏa thuận của doanh nghiệp với các hộ dân trồng gừng trên địa bàn...

Vụ bỏ tiền tỷ vào gừng mà không bán được: Sở Nông nghiệp "vào cuộc" giải cứu

Như Dân trí đã phản ánh, thời gian qua, Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An (Công ty) có thực hiện việc ký kết hợp đồng trồng và bao tiêu gừng với người nông dân ở nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Ngoài việc bán giống, Công ty sẽ cung cấp thuốc bảo vệ thực vật và phân bón sinh học cho người dân từ khi trồng đến khi thu hoạch. Đồng thời, Công ty bao tiêu toàn bộ số lượng gừng mà người dân ký trồng với công ty.

Với hi vọng thay đổi cuộc sống, có những hộ dân đã ký hợp đồng và đầu tư hàng trăm triệu đồng để trồng gừng. Giờ đây, người trồng gừng như “ngồi trên đống lửa” vì năng suất gừng thấp, còn đơn vị hứa bao tiêu sản phẩm thì vẫn chưa thấy đâu. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có người dân tham gia ký hợp đồng trồng gừng với công ty Trường An như: Hà Trung, thị xã Bỉm Sơn, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Yên Định.

Người trồng gừng lo lắng vì sản lượng thấp, chưa bán được
Người trồng gừng lo lắng vì sản lượng thấp, chưa bán được

Sau khi nắm bắt được thông tin phản ánh, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Thanh Hóa đã có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố (các huyện) về tình hình liên kết sản xuất thu mua gừng tại các địa phương.

Theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa thì thời gian qua, ngành đã và đang phối hợp cùng với các địa phương, đơn vị thực hiện việc kêu gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, bao tiêu các sản phẩm cho nông dân; góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nâng cao đời sống và thu nhập cho nông dân.

Tuy nhiên, thời gian gần đây trên địa bàn một số huyện như: Yên Định, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn đã có một số hộ dân ký hợp đồng đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm gừng với Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An. Sau khi ký hợp đồng, công ty đã thu tiền mua giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật của các hộ sản xuất.

Sở NN-PTNT đề nghị các địa phương rà soát lại diện tích trồng gừng...
Sở NN-PTNT đề nghị các địa phương rà soát lại diện tích trồng gừng...

Qua theo dõi và phản ánh của người dân địa phương cho thấy, đến thời điểm thu hoạch, công ty không thực hiện đúng những nội dung đã cam kết trong hợp đồng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đời sống và tâm lý của các hộ nông dân. Đồng thời, đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến môi trường thu hút đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa.

Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT đề nghị UBND các huyện chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê cụ thể quy mô, diện tích, phương thức ký hợp đồng, những cam kết thỏa thuận của công ty với các hộ dân trồng gừng trên địa bàn, UBND huyện tổng hợp báo cáo Sở NN-PTNT trước ngày 30/4/2017.

Sở NN-PTNT cũng đề nghị các địa phương động viên các hộ dân tiếp tục chăm sóc bảo vệ và thu hoạch gừng khi đến thời kỳ thu hoạch, bảo quản tốt, hỗ trợ tìm đầu ra cho nông dân nhằm giảm bớt khó khăn cho người sản xuất; hỗ trợ các hộ gia đình đầu mối với công ty để giải quyết các nội dung trong hợp đồng đã ký giữa hai bên.

Đồng thời, tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn, giới thiệu cho các hộ sản xuất thực hiện ký kết hợp đồng sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp có uy tín; thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp và quy định hiện hành.

Người trồng gừng trước nguy cơ thiệt hại hàng tỷ đồng
Người trồng gừng trước nguy cơ thiệt hại hàng tỷ đồng

Ngoài ra, Sở NN-PTNT cũng đã khuyến khích các địa phương chủ động, thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát quá trình thực hiện hợp đồng sản xuất. Báo cáo kịp thời hình thức liên kết quy mô sản xuất, loại cây trồng, thời gian thực hiện và thị trường tiêu thụ về Sở NN-PTNT để phối hợp theo dõi, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nông dân tham gia liên kết sản xuất đảm bảo hiệu quả và lợi ích của các bên.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, để tìm câu trả lời cụ thể về vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn, phóng viên đã tìm đến UBND thị xã Bỉm Sơn, là địa phương nơi Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An mở chi nhánh giao dịch.

Tuy nhiên, tại đây, sau khi tiếp nhận phản ánh của phóng viên, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chánh văn phòng UBND thị xã Bỉm Sơn sau một hồi đi báo cáo lãnh đạo, quay lại cho biết, người phát ngôn đã đi vắng và hẹn phóng viên thời điểm khác đến làm việc. Trong nỗ lực tìm câu trả lời thỏa đáng và hướng tháo gỡ những khó khăn cho người nông dân, nhưng sau nhiều ngày liên hệ làm việc, đến thời điểm này, phóng viên vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ chính quyền và ngành chức năng thị xã Bỉm Sơn. Trong khi đó, người nông dân vẫn ngày đêm lo lắng khi mà hàng trăm triệu đồng “bỏ xuống đất” vẫn chưa biết phải giải quyết thế nào.

Duy Tuyên