Bỏ tiền tỷ sửa đường để… phá đi làm lại

(Dân trí) - Mặc dù QL14 đoạn qua Gia Lai (từ km 1610- cầu 110) đã làm lễ khởi công gần 5 tháng nay (ngày 9/6), nhưng Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn quyết định bỏ ra khoảng 6,4 tỷ đồng sửa chữa đoạn đường này bởi chủ đầu tư chưa... động thổ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

·         Nở rộ "mốt" mua nhà cho thuê

·         Mua bán nợ xấu: Để không đánh bùn sang ao

·         Hội nghị Trung Ương 3 Trung Quốc đưa ra cải cách gì?

·          Đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện bằng VND

Vào ngày 9/6, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư nâng cấp QL14- đường Hồ Chí Minh đoạn TP Pleiku đến cầu 110 (giáp danh với tỉnh Đăk Lăk). Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 57,6km, chiều rộng 23,2m, đoạn ngoài đô thị có chiều rộng 12m, tổng số vốn 1.800 tỷ đồng, và được đầu tư theo hình thức BOT. ĐLGL cũng cam kết sẽ hoàn thành dự án trước năm 2015.

Tuy nhiên, sau lễ khởi công rầm rộ với sự tham dự của các đại biểu là các quan chức cấp địa phương và cán bộ đầu ngành của Bộ GTVT, đến nay đã gần tròn 5 tháng trôi qua nhưng dự án vẫn còn “treo”, chưa hề được động thổ. Việc thi công trậm trễ này đã khiến cho đoạn đường trên ngày càng xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là sau 2 cơn bão số 10 và 11, những ổ voi trên mặt đường càng xuất hiện chằng chịt hơn, nhiều nơi mặt đường như những “ao cá” khiến cho người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm khi phải đi trên con đường này.

Để tránh nguy cơ tai nạn giao thông, hầu hết các xe tải và xe khách khi đi qua đoạn đường từ ngã ba Phù Mỹ đến thị trấn Chư Sê (Chư Sê) đều phải lái xe “lánh nạn” xuống rẫy cao su để đi, khiến cho giao thông nơi đây hỗn loạn hơn bao giờ hết.

Đường hư hỏng nặng, nhiều xe ô tô phải đi xuống rẫy cao su đề lánh nạn
Đường hư hỏng nặng, nhiều xe ô tô phải đi xuống rẫy cao su đề lánh nạn
Đường hư hỏng nặng, nhiều xe ô tô phải đi xuống rẫy cao su đề "lánh nạn"

Trước tình trạng này, nhiều người tham gia giao thông đã phải gửi kiến nghị lên Ban an toàn giao thông tỉnh Gia Lai, tuy nhiên, đây là tuyến đường do Bộ GTVT trực tiếp quản lý về mọi mặt nên cơ quan chức năng tỉnh này cũng chỉ biết… tiếp tục gửi kiến nghị.

Trao đổi với chúng tôi, Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai cho biết, do đoạn đường trên đã hư hỏng quá nhiều, người dân kêu đi lại rất khó khăn. Vì vậy, nhiều lần Ban đã có ý kiến, văn bản đề nghị lên Tổng cục đường bộ Việt Nam cấp vốn sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, việc sửa trên chỉ là biện pháp khúc ngọn vì đường đã hư quá nhiều, lẽ ra ĐLGL đã khởi công thì phải thi công rồi chứ không phải kéo dài như vậy: “Dự án này địa phương không ủng hộ ĐLGL làm chủ đầu tư, các cơ quan nhà nước cũng đã kiến nghị về vấn đề này nhưng Tập đoàn này vẫn được chọn thì mình chịu thôi”, đại diện Sở cho biết.

Trong thời gian chờ đợi ĐLGL thi công đoạn đường trên, Tổng cục đường bộ Việt Nam và Khu quản lý đường bộ V đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa đường bộ Gia Lai đứng ra thực hiện việc sửa chữa. Ông Trần Công Đại Phúc, Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý giao thông của Công ty cho biết, hiện tại Công ty đang thực hiện móc phần móng bị hư hỏng và sau đó hoàn trả lại phần móng và láng nhựa. Dự kiến thời gian kéo dài trong vòng `1 tháng cho đoạn đường từ Km542 đến cầu 110, và vốn sửa chữa dự kiến khoảng 6,4 tỷ đồng.

Đường hư hỏng nặng, nhiều xe ô tô phải đi xuống rẫy cao su đề lánh nạn
Những ổ voi đã được Công ty Sửa chữa đường bộ múc phần móng để láng nhựa, và sau đó là múc cả lên để thi công

Ông Phúc cho biết thêm, vốn sửa chữa này là vốn bão lũ của Tổng cục đường bộ Việt Nam, hiện kinh phí cơ quan ông vẫn chưa nhận nhưng khi thấy mất an toàn giao thông và được Tổng cục giao thì Công ty ông làm. Ông Phúc cũng phán đoán có lẽ đến đầu năm 2014, ĐLGL sẽ tiến hành thi công tuyến đường này.

Việc đảm bảo an toàn giao thông cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng giá mà chủ đầu tư và các cơ quan có liên quan sớm thi công công trình này sau khi làm lễ khởi công thì có lẽ ngân sách nhà nước sẽ không phải tốn thêm 6,4 tỷ đồng, mà người dân lại sớm có đường mới để đi, việc an toàn giao thông thì khỏi phải bàn.

Giải thích về việc làm lễ khởi công mà mãi chưa thi công, đại diện của ĐLGL cho biết, do đơn vị đang vướng mắc về mặt thủ tục, giấy tờ và chưa được bàn giao từ Khu quản lý đường bộ V.

Nếu quả thật chỉ vì phương diện thủ tục hành chính mà để công trình kéo dài thời gian thi công nhiều tháng, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông cho người dân và tốn kém ngân sách nhà nước thì những cơ quan có trách nhiệm liên quan cũng cần xem xét lại.

Trước đó, cũng tại QL14 đoạn từ TP Kon Tum- TP Pleiku có chiều dài khoảng 35km cũng đã được thi công, tuy nhiên sau khi đường vừa hoàn thành thì chủ đầu tư phải lấy đất vá thay… nhựa.

Tuệ Mẫn

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước