1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ Tài chính yêu cầu giữ nguyên giá xăng

Trước đề nghị tăng giá xăng lên 800 - 1.000 đồng/lít bắt đầu từ ngày 16/10 của một số doanh nghiệp, chiều 19/10, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị giữ nguyên giá xăng như hiện hành.

Theo nội dung văn bản số 14175/BTC - QLG, liên bộ Bộ Tài chính và Công Thương nêu rõ quan điểm của là trong thời gian tới doanh nghiệp cần theo dõi thêm, nếu giá xăng thế giới tăng gây lỗ thì phải tính toán toàn diện các giải pháp (đề nghị Nhà nước bù lỗ, doanh nghiệp đã giảm chi phí hay chưa, có mạng lưới kinh doanh hợp lý hay không…) rồi mới báo cáo Bộ Tài chính và Công Thương để liên bộ trình Thủ tướng xử lý bằng những biện pháp thích hợp.

Ông Thỏa cho rằng, hiện tại mức giá thị trường nhiên liệu trên thế giới dù tăng cao nhưng vẫn mang tính đầu cơ và bị ảnh hưởng bởi tâm lý căng thẳng ở Trung Đông.

Hơn thế, việc lỗ lãi cần tính toán theo một chu kỳ dài trong khi việc hạn chế tăng giá bán lẻ xăng trong bối cảnh giá các mặt hàng đang nóng là cần thiết. (Giá dầu thế giới mới biến động tăng cao trong 10 ngày gần đây, trong khi đó suốt thời gian hai tháng qua, kể từ sau thời giai giảm giá xăng gần đây nhất doanh nghiệp vẫn kinh doanh có lãi vì thuế đã giảm xuống 0%).

Theo đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, hiện nay mỗi lít xăng doanh nghiệp lỗ từ 400 - 500 đồng. Riêng trong ba ngày gần đây, khi giá xăng thế giới quanh mức 87 USD/thùng thì lỗ cho mỗi lít xăng là khoảng 900 đồng.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang tăng mạnh như hiện nay, việc hạn chế tối đa việc tăng giá bán lẻ xăng để tránh tác động tâm lý dây chuyền là cần thiết.

Theo K.Huyền
Báo Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm