Bộ Tài chính sẽ chốt về đề xuất thuế phí xe điện của Vingroup trước 10/6

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - Theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, trước ngày 10/6, Bộ Tài chính phải có báo cáo chính thức gửi Thủ tướng về đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ đối với xe điện của Vingroup.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc làm việc với Tập đoàn Vingroup mới đây về các chính sách đối với xe điện của hãng xe Việt trong 5 năm tới.

Cụ thể, đại diện Tập đoàn Vingroup kiến nghị Chính phủ thí điểm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ 5 năm với ô tô điện tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vào ngày 19/5.

Bộ Tài chính sẽ chốt về đề xuất thuế phí xe điện của Vingroup trước 10/6 - 1

Trạm sạc của xe điện VinFast và một số mẫu xe điện. Hiện Vingroup đang dồn nhiều nguồn lực để thực hiện tham vọng phát triển xe điện tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Tham dự cuộc họp này có đại diện của các bộ, cơ quan ngang bộ như Bộ Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Sau khi nghe đề xuất của Vingroup, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bên liên quan, hoàn thiện nội dung đánh giá về đề xuất của Vingroup sớm báo cáo Chính phủ.

Lãnh đạo Chính phủ nhất trí cần có giải pháp mạnh, quyết liệt để hỗ trợ phát triển sản xuất ôtô điện tại Việt Nam theo Nghị quyết 23/2018 của Bộ Chính trị về chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2045 và quyết định về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô đến 2025, tầm nhìn 2035.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng các giải pháp, chính sách đồng bộ để khuyến khích sản xuất, sử dụng ôtô điện.

Chính phủ yêu cầu các bộ làm rõ sự cần thiết, đánh giá và hướng xử lý cụ thể, phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó các văn bản pháp luật cần sửa đổi, bổ sung và có tiến độ thực hiện. Bộ Tài chính cùng các bộ liên quan có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/6/2021.

Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ ngày 19/5, ông Nguyễn Việt Quang, CEO của Vingroup, mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ về thuế phí để doanh nghiệp này "có thể khởi nghiệp thuận lợi hơn trong lĩnh vực có quá nhiều cạnh tranh như ôtô, đặc biệt là ôtô điện".

Ông này cho rằng theo kinh nghiệm quốc tế, cần phải có một hệ thống chính sách đồng bộ, khuyến khích cả nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng, cũng như xây dựng một hệ sinh thái thân thiện cho phương tiện chạy điện trong tương lai.

Thực tế, sau ba năm sản xuất xe động cơ đốt trong, mới đây VinFast đã chuyển hướng vào xe điện khi đưa ra 3 mẫu xe điện cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Mỹ.

Vingroup cũng thoái vốn, bán và cơ cấu vốn tại nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán lẻ như VinMart, VinSmart... để tập trung vào mảng công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng cho VinFast với mục tiêu xây dựng các trạm sạc cho xe điện để hướng đến tháng 11/2021 sẽ đưa xe điện bán thương mại tại Việt Nam.

Đầu năm 2021, VinFast đã công bố sản xuất ba mẫu xe VF31, VF32, VF33 và cho người tiêu dùng đặt cọc trước. Mức giá bán xe thấp nhất chỉ 590 triệu đồng/chiếc.

Hiện, chính sách ưu đãi cho ô tô điện tại Việt Nam vẫn khá mờ nhạt, thậm chí chưa rõ ràng. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện đang ở mức 15% tuy nhiên xe điện, xe Hybrid trên thực tế còn chịu nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó phí trước bạ vẫn áp dụng cho xe xanh, thân thiện môi trường giống như xe động cơ đốt trong là 10% đến 12%/chiếc.

Tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, hành lang chính sách ưu đãi, khuyến khích xe điện được áp dụng đại trà và ngay từ đầu. Nhiều startup công nghệ đã tranh thủ ưu đãi của Chính phủ để trực tiếp đi vào sản xuất xe điện như Huawei (Trung Quốc), SAIC, BYD, WM Motor, Li Auto, Xpeng Motors và Byton.

Mới đây, Sony - hãng điện tử hàng đầu Nhật Bản cũng cho ra đời mẫu ô tô điện đầu tiên của mình dù đây không phải là thế mạnh của tập đoàn này.

Với lợi thế chính sách, thị trường và ưu đãi từ Chính phủ, nhiều hãng xe, mẫu xe điện của các nước đã và đang có thị trường rộng lớn và kéo theo đó là các doanh nghiệp phụ trợ khác cùng phát triển.

Từ năm 2021 trở đi, Việt Nam đã thực hiện lộ trình cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu xe hơi từ EU, Anh, các nước thành viên CPTPP như Úc, Nhật Bản... từ 6-8%/năm. Đến năm 2029 và 2030, Việt Nam chính thức bỏ thuế nhập khẩu đối với xe nhập từ các nước về Việt Nam, khi ấy thị trường xe Việt sẽ mở tung và xu hướng cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt hơn giành cho các hãng, doanh nghiệp xe trong nước.