Bộ Tài chính miễn, giảm 15 loại phí "giải cứu" thị trường chứng khoán

(Dân trí) - Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm mạnh, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư về việc miễn, giảm 15 loại phí dịch vụ để hỗ trợ thị trường này.

Cụ thể, 6 loại phí được miễn hoàn toàn bao gồm dịch vụ đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống VSD; đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ.

Bộ Tài chính miễn, giảm 15 loại phí giải cứu thị trường chứng khoán - 1

Bộ Tài chính miễn, giảm 15 loại phí giải cứu thị trường chứng khoán giảm điểm liên tục trong thời gian qua do tác động của dịch Covid-19

Về giảm tiền phí dịch vụ, 9 dịch vụ được giảm giá từ 10 đến 50% giá phí bao gồm.

Giảm 10% đối với 3 dịch vụ bao gồm: dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh; dịch vụ lưu ký chứng khoán;

Giảm từ 15%-20% đối với 2 dịch vụ bao gồm: dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh;

Giảm từ 30%-50% đối với 4 dịch vụ bao gồm: dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm; dịch vụ thực hiện quyền; dịch vụ chuyển khoản chứng khoán; dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh.

Thời gian áp dụng mức giảm giá và miễn thu tiền sử dụng dịch vụ quy định tại Thông tư ít nhất trong vòng hơn 5 tháng (từ ngày 19/3/2020 đến hết ngày 31/8/2020).

Trường hợp tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng Thông tư này trong trường hợp cần thiết.

Theo Bộ Tài chính, mục tiêu của việc miễn, giảm phí dịch vụ nói trên được áp dụng tại các Sở Giao dịch chứng khoán, các trung tâm lưu ký chứng khoán, các tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng, tác đọng bởi Covid-19.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán Việt Nam và các nước trên thế giới đều gánh chịu tác động. Các chỉ số của VnIndex biến động mạnh, có nhiều phiên giảm điểm mạnh, sắc đỏ tràn nhập các sàn, các mã.

Vốn hóa của nhiều doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp hàng không suy giảm mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng số lượng lớn. Theo thống kê, trong 28 phiên giao dịch liên tiếp, vốn ngoại bán ròng gần 7.000 tỷ đồng (304 triệu USD).

Ngày 19/3, theo thống kê, VnIndex đã mất 26 điểm, nhóm Vn30 (30 doanh nghiệp hàng đầu thị trường) thì có đến 7 mã giảm trên 5%. HNX-Index cũng giảm 1,23% về 100,59 điểm.

Ngoài hỗ trợ phí giao dịch trong thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính trước đã đã ban hành nhiều văn bản về việc giãn, hoãn nộp các loại thuế, phí liên quan đến tiền thuê đất, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp của các tổ chức, cá nhân. Tổng cục Thuế cũng ban hành Thông tư về các đối tượng, tiêu chuẩn, quy định giảm thuế đối với các trường hợp chịu tác động của dịch Covid-19.

Tổng số tiền chậm nộp, giãn, hoãn nộp thuế mà Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đưa ra cho doanh nghiệp khó khăn 30.000 tỷ đồng. Trước đó, Chính phủ đã yêu cầu ngành ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ tín dụng trị giá hơn 250.000 tỷ đồng (10,8 tỷ USD) để hỗ trợ giảm, giãn lãi suất vay cho khách hàng, doanh nghiệp, chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19.

Nguyễn Tuyền