1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bộ Tài chính đề nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ để mua dự trữ

(Dân trí) - Bộ Tài chính đã đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm, còn dừng xuất khẩu gạo tẻ.

Bộ Tài chính đề nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ để mua dự trữ - 1

Bộ Tài chính đề nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến 15/6 để đảm bảo công tác mua dự trữ quốc gia.

Trong văn bản góp ý với Bộ Công Thương về tình hình xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính đã đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm.

Bộ này cũng đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6/2020 để đảm bảo mua đủ dự trữ quốc gia. Bộ Tài chính cho biết chỉ tiêu kế hoạch mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020 do Thủ tướng giao là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc tẻ thường.

"Trước tình hình nhu cầu xuất khẩu tăng, nên các doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo cho quốc gia khoảng 178.000 tấn có tình trạng kéo dài thời gian ký hợp đồng, không thực hiện thương thảo hợp đồng", Bộ Tài chính cho biết.

Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến 15/6 để đảm bảo công tác mua dự trữ quốc gia. Sau khi mua đủ theo kế hoạch được giao sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu linh hoạt, phù hợp với thực tế.

Với đề nghị này, Bộ Tài chính cho biết Tổng cục Hải quan sẽ giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu đối với các loại gạo. Sau ngày 15/6 khi gạo tẻ được xuất khẩu bình thường, hải quan sẽ căn cứ số lượng gạo do Bộ Công Thương công bố, giám sát thủ tục hải quan theo quy định.

Góp ý với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Long An cũng đề nghị cho phép xuất khẩu lại mặt hàng nếp không hạn chế số lương để giải quyết vấn đề tồn kho.

Hồi đáp ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẳng định trước mắt chỉ cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 4, giảm tới 40% so với lượng xuất khẩu thông thường nên lượng tồn còn lại trong nước rất nhiều, đủ cho nhu cầu mua dự trữ của Tổng cục Dự trữ nhà nước.

Do vậy, trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vẫn đề xuất cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo sau khi đã "tính toán kỹ để đảm bảo an ninh lương thực".

Bộ lưu ý việc xuất khẩu phải kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và 5. Vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ ngành, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.

Về số lượng được phép xuất khẩu, trong báo cáo được gửi tới Thủ tướng, Bộ Công Thương cho biết: Theo Bộ NN&PTNT, lượng gạo hàng hóa vụ Đông Xuân có thể xuất khẩu là 3 triệu tấn, nếu tính cả lượng gạo "gối đầu" chuyển từ năm 2019 qua sẽ đạt khoảng 3,2 triệu tấn.

Trong đó cần 300.000 tấn để thực hiện kế hoạch mua vào năm 2020 của Tổng cục dự trữ nhà nước. Ngoài lượng gạo này, giữ lại thêm 400 nghìn tấn để dự phòng mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và 5.
Như vậy tổng lượng gạo giữ lại cho nhu cầu trong nước trong hai tháng 4 và 5 là 700.000 tấn. Trừ đi lượng gạo đã xuất khẩu thì lượng gạo còn lại để xuất khẩu trong hai tháng 4 và 5 là 800.000 tấn. Trước mắt tháng 4 sẽ xuất khẩu 400 nghìn tấn.

Nguyễn Mạnh