Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng xử lý các vấn đề "nóng" ở HANCORP
(Dân trí) - Bộ Tài chính mới có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị xử lý hàng loạt vấn đề đã và đang xảy ra ở Tổng công ty xây dựng Hà Nội - CTCP (HANCORP).
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, trong các vấn đề ở HANCORP, nổi lên là là hoạt đông đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, nguy cơ mất vốn và đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng tháng 12/2016, HANCORP không thuộc diện Nhà nước nắm giữ vốn, vì vậy đề nghị Bộ Xây dựng đẩy nhanh thoái vốn tại công ty này.
Báo cáo về tình hình tài chính và hoạt động năm 2016 của HANCORP vừa được Bộ Tài chính gửi Bộ Xây dựng nêu rõ: Năm 2016 doanh thu của Tổng công ty này là 2.776 tỷ đồng, trong đó doanh thu kinh doanh bất động sản, xây dựng chiếm 94%, lợi nhuận năm 2016 đạt 128 tỷ đồng. Các chỉ số tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản là 1,95%; tỷ suất lợi nhuận/doanh thu là 4,6%; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ 7,4%...
"Kết quả sản xuất kinh doanh của HANCORP chưa cao", Bộ Tài chính khẳng định.
Về đầu tư ra doanh nghiệp bên ngoài, hết tháng 12/2016 tổng giá trị đầu tư ngoài ngành đạt 1.280 tỷ đồng, trong đó có 6 công ty con, 20 công ty liên kết, 14 công ty khác (theo kiểu đầu tư dài hạn)... trong đó nhiều DN, dự án bất động sản lớn tại Hà Nội.
Năm 2016, HANCORP được chia cổ tức 33,8 tỷ đồng từ đầu tư ngoài ngành. Tại thời điểm cuối tháng 12/2016, tổng số trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính của HANCORP là 238 tỷ đồng, trong đó một số khoản đầu tư trích lập dự phòng bằng hoặc gần bằng số vốn đầu tư.
" Đầu tư ngoài ngành của HANCORP không hiệu quả, tỷ suất cổ tức/vốn đầu tư thấp, vốn tập trung chủ yếu tại công ty liên kết khác mà HANCORP không có quyền chi phối, rủi ro mất vốn", Bộ Tài chính nhận định.
Ngoài vấn đề trên, Bộ Tài chính cũng cho rằng, tình hình tài sản, nợ phải thu của công ty này không đảm bảo. Cuối năm 2016, tổng tài sản của HANCORP là hơn 6.560 tỷ đồng, nợ phải thu chiếm 51% và đầu tư tài chính dài hạn chiếm 20%.
Nợ phải thu là 3.341 tỷ đồng (gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu), trong đó nợ quá hạn 1 năm tồn tại ở một số công ty như Đèo Cả, Đầu tư Phú Mỹ....
Theo Bộ Tài chính, dù khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của HANCORP được đảm bảo nhưng với nợ phải thu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản và hệ số khả năng thanh toán tức thời thấp. HANCORP sẽ gặp khó khăn trong thanh toán nợ đến hạn.
Về nợ phải trả, Bộ Tài chính cảnh báo: Nợ phải trả chiếm 77% tổng nguồn vốn khoảng 5.039 tỷ đồng, cơ cấu nợ ngắn hạn chiếm 68% tổng nợ phải trả.
"Mặc dù hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu năm 2016 tăng so với năm 2015 do tăng vay phục vụ sản xuất, kinh doanh (xây lắp, bất động sản) nhưng tiềm ẩn rủi ro về tài chính trong trường hợp chủ đầu tư không thanh toán kịp hoặc dự án bị chậm tiến độ", Bộ Tài chính chỉ rõ.
Cũng theo Bộ Tài chính, bộ này đã đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo người đại diện vốn Nhà nước của Bộ tại HANCORP rà soát đánh giá các khoản đầu tư ngoài doanh nghiệp để có biện pháp thoái bớt vốn đầu tư không hiệu quả.
Đặc biệt, theo quyết định số 58, ngày 28/12/2016 của Thủ tướng, HANCORP không thuộc diện Nhà nước phải nắm giữ vốn. Chính vì vậy, yêu cầu Bộ Xây dựng đẩy nhanh việc thoái vốn tại công ty này.
Nguyễn Tuyền