1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bộ phòng cháy, thoát hiểm 50 triệu đồng: Hàng Trung Quốc giá cắt cổ vẫn cháy hàng

Sau hàng loạt vụ cháy chung cư xảy ra trong thời gian gần đây, người dân sống ở các khu chung cư bắt đầu đổ xô đi mua các thiết bị phóng cháy chữa cháy và thoát hiểm. Theo đó, không ít gia đình chấp nhận bỏ ra vài chục triệu đồng để mua một “combo” thiết bị phòng cháy chữa cháy xuất xứ từ Trung Quốc.

Chi vài chục triệu mua đồ phòng cháy chữa cháy

Sau mấy cuộc điện thoại gọi đến các cửa hàng bán đồ phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhờ tư vấn chọn mua các mặt hàng cho gia đình, chị Dương Ngọc Lan Phương (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định đặt mua cả loạt các thiết bị với tổng trị giá gần 40 triệu đồng.

Chị Phương tâm sự, nhà chị ở chung cư tầng 14. Ngày trước, vì tin vào khu chung cư cũng đã có hệ thống PCCC nên chị không sắm bất cứ một thiết bị thoát hiểm nào, thậm chí cả bình cứu hỏa cá nhân cũng không. Thế nhưng, sau mấy vụ cháy chung cư gần đây, đặc biệt là vụ cháy chung cư trong Sài Gòn làm nhiều người thiệt mạng thì chị bắt đầu thấy bất an, không còn lòng tin với hệ thống PCCC của tòa nhà mình đang ở.

“Không mong muốn hỏa hoạn xảy ra. Nhưng khi chuyện không may xảy ra thì trước khi trông chờ vào lực lượng PCCC cứu mình thì chi bằng mình hãy tự mình cứu mình trước”. Chị cho biết, chị đã quyết định mua hẳn một combo thiết bị thoát hiểm và phòng cháy cho cả gia đình gồm: thang dây thoát hiểm chống cháy,, bình cứu hỏa, búa thoát hiểm, riêng quần áo chống cháy và mặt nạ phòng độc thì mua 4 bộ để gia đình mỗi người một bộ. Tất cả đều là đồ xịn, gặp lửa không thể cháy.


Dân ở chung cư đổ xô đi mua các thiết bị thoát hiểm sau hàng loạt các vụ cháy chung cư xảy ra trong thời gian gần đây

Dân ở chung cư đổ xô đi mua các thiết bị thoát hiểm sau hàng loạt các vụ cháy chung cư xảy ra trong thời gian gần đây

Thật ra, bỏ ra gần 40 triệu là một khoản tiền khá lớn với gia đình chị, song không thể vì tiếc rẻ tiền mà mua đồ kém chất lượng.

“Thị trường có nhiều loại thiết bị thoát hiểm và phòng cháy. Nhưng hàng Việt đa phần giá rẻ nên tôi chọn mua hàng Trung Quốc vì người bán nói chất lượng chúng tốt hơn”, chị Phương chia sẻ.

Cũng bất an với hệ thống PCCC ở khu chung cư nhà mình, chị Đào Thu Vinh ở Cầu Giấy (Hà Nội) cũng quyết định chi tới hơn 20 triệu đồng để mua các thiết bị thoát hiểm cần thiết nhất phòng trường hợp cháy xảy ra.

Chị Vinh cho biết, chung cư nhà chị là chung cư cao cấp, chưa bao giờ xảy ra sự cố cháy. Song, phòng vẫn hơn chống, bởi không ai nói trước được chuyện “bà hỏa” có thể đến “hỏi thăm” lúc nào. Do đó, chị quyết mua mấy chục mét thang dây thoát hiểm, thêm 2 cái bình chữa cháy và mấy cái mặt nạ phòng độc cho các thành viên trong gia đình. Tất cả những đồ này để vào cái tủ gỗ ngoài ban công, khi cần dùng có thể lấy ra dễ dàng nhất.

Ngoài ra, phần ban công trước kia được làm song sắt chắc chắn để chống trộm, nay chị cũng phải thuê thợ vào cắt bỏ đi một phần, làm cái cửa có thể mở ra mở vào. Bởi, bịt kín như chuồng cọp thì có mua thang dây thoát hiểm thì lúc cháy cũng không biết thoát ra đường nào, chị cho hay.

Đồ Trung Quốc giá chát vẫn cháy hàng

Với tâm lý đổ xô đi mua thiết bị thoát hiểm và PCCC giành cho gia đình nên thị trường này đang cực kỳ sôi động với đủ các xuất xứ khác nhau từ hàng Việt đến hàng Trung Quốc, hàng nhập Âu - Mỹ. Theo đó, giá các thiết bị từ vài chục ngàn cho tới vài triệu đồng.

Đơn cử, mặt nạ phòng độc nếu là dòng bình dân giá từ 180.000-500.000 đồng/chiếc, loại cao cấp có giá lên tới 2,2 triệu đồng/chiếc; thang dây thoát hàng Việt giá khoảng tầm 100.000-150.000 đồng/m, thang dây thoát hiểm chống cháy giá 2,5 triệu đồng/m; quần áo phòng cháy chữa cháy giá 500.000 đồng/bộ, loại chống cháy giá 2,5 triệu đồng/bộ; riêng mặt hàng bình cứu hỏa giá tùy theo trọng lượng bình…

Ngoài các thiết bị thoát hiểm, thị trường còn xuất hiện của loại balo thoát hiểm nhập khẩu từ Châu Âu với giá lên tới 1.500 USD/chiếc.


Thị trường các thiết bị thoát hiểm và PCCC đa phần đều là hàng Trung Quốc

Thị trường các thiết bị thoát hiểm và PCCC đa phần đều là hàng Trung Quốc

Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Nguyễn Văn Khương, chủ một cửa hàng bán đồ thoát hiểm và PCCC ở Quận 1 (TP.HCM) cho biết, sau vụ cháy Chung cư Carina, mọi người đua nhau đi mua thiết bị PCCC. Do đó, lượng hàng bán ra mỗi ngày tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày trước bán èo uột vì không mấy người chú ý đến thiết bị PCCC. Giờ thì do bất an nên các gia đình tìm mua nhiều. Theo anh Khương, các thiết bị anh bán có cả hàng Việt và hàng xuất xứ Trung Quốc. Trong đó, hàng Việt có giá khá bình dân, chỉ cần vài triệu đồng khách có thể mua được một bộ đầy đủ các thiết bị thoát hiểm và PCCC cho cả gia đình mình, và hàng Việt lúc nào cũng có sẵn, khách không phải đặt trước.

Riêng hàng Trung Quốc, giá hiện nay khá cao, vì đa phần là đồ chống lửa, không thể cháy hoặc rất khó cháy khi tiếp xúc với lửa. Theo đó, nếu mua dòng này giá cho một bộ đầy đủ (gồm thang dây, mặt nạ, quần áo, bình chữa cháy) có thể lên tới 20-50 triệu đồng.

“Dù là hàng Trung Quốc, nhưng do lượng khách mua tăng mạnh nên 2 ngày nay, khách muốn mua cũng phải đặt cọc tiền trước, 1 tuần sau mới được nhận hàng”, anh nói.

Tương tự, anh Trần Việt Tú, chủ một cửa hàng bán đồ PCCC ở Hoàng Mai (Hà Nội) cũng cho biết, một số mặt hàng như thang dây Việt với giá 100.000 đồng/m thì cửa hàng lúc nào cũng có sẵn hàng, bình cứu hỏa cũng vậy.

Thế nhưng, các loại thang dây chống cháy của Trung Quốc giá 350.000 đồng/m, rồi mặt nạ phòng độc, quần áo chống cháy loại cao cấp hiện giờ đều “cháy hàng”.

Theo anh Tú, một “combo” đồ PCCC bình dân giá chỉ khoảng 2-4 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu chọn mua dòng cao cấp của Trung Quốc giá có thể lên tới vài chục triệu đồng và phải đặt trước khoảng 15 ngày cho tới 1 tháng hàng mới về.

Thực ra, trước kia anh chỉ nhập hàng bình dân về nhiều vì nghĩ mọi người cũng chỉ mua đồ đó do giá vừa túi tiền. Song, dịp này đa phần khách chọn mua loại hàng của Trung Quốc cao cấp dù giá khá chát. Bởi, mọi người bắt đầu chú ý hơn đến sự an toàn của gia đình mình.

Theo Tâm An
VietnamNet

Bộ phòng cháy, thoát hiểm 50 triệu đồng: Hàng Trung Quốc giá cắt cổ vẫn cháy hàng - 3