Bộ ngành cãi nhau: DN ô tô lo phá sản, dân mua xe giá chát
Đến thời điểm hiện tại, các Bộ, ngành vẫn chưa thống nhất về chính sách ưu đãi cho sản xuất ô tô trong nước. Điều này khiến những DN đầu tư lớn cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước lo ngại, phân vân.
Nước nào cũng ưu đãi phát triển ô tô
Trong khi Bộ Công Thương đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước, đối với sản phẩm ô tô thì Bộ Tài chính lại không đồng tình vì lo ngại trái với các quy tắc của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới). Bộ này đề nghị giữ nguyên cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt như hiện nay, không ưu đãi thêm cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước nữa.
Việc không thống nhất được chính sách đang khiến những DN đầu tư lớn cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước lo ngại và phân vân, rằng có nên đầu tư vào sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam nữa hay không.
Theo tính toán, với thuế nhập khẩu 0%, giá xe nhập sẽ giảm từ 20-25% so với hiện tại. Trong khi, với quy định mới, từ 1/1/2018, các DN sản xuất láp ráp ô tô có quy mô sản lượng lớn sẽ được giảm thuế nhập khẩu tất cả các linh kiện về mức 0%. Điều này chỉ giúp cho các DN giảm giá bán lẻ sản phẩm sản xuất lắp ráp từ 12-15%. Xe nhập tràn vào, không thể cạnh tranh nổi.
Vì thế, việc các DN sản xuất lắp ráp ô tô được hưởng thêm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt mức 0% với phần linh kiện mua trong nước sẽ giúp giá thành xe trong nước giảm thấp, cạnh tranh được với xe nhập khẩu .
Cách tính thuế này được nhiều nước áp dụng từ lâu để khuyến khích các DN đẩy mạnh sản xuất, tìm mua linh kiện trong nước, qua đó thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô phát triển.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Hyundai Thành Công, cho hay, một số nước trong khu vực Đông Nam Á, cũng là thành viên WTO, nhưng họ đã khôn khéo vận dụng được và ta cần tham khảo.
Từ năm 2006, Malaysia triển khai chính sách ô tô quốc gia (NAP), với chính sách ưu đãi thuế nội địa cho ô tô sản xuất trong nước. Cụ thể, với xe có dung tích xi lanh dưới 2.0L, sản xuất lắp ráp trong nước, phần giá trị của linh kiện có hàm lượng nội địa hóa trên 30% sẽ không phải chịu thuế nội địa - giống như đề xuất của Bộ Công Thương Việt Nam.
Tất nhiên, chính sách này cũng không phù hợp với nguyên tắc đối xử quốc gia của WTO. Nếu một nước khác kiện ra WTO, Malaysia có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Thái Lan có cách làm khác, đó là ưu đãi thuế nội địa cho dòng xe pick-up 1 tấn. Trong khi thuế nội địa đối với xe chở khách thông thường từ 30-50%, thì thuế áp cho pick-up loại 1 tấn, dung tích xi lanh dưới 3.2L chỉ có 3%. Với dòng xe thân thiện môi trường (eco-car), từ 2009, Thái Lan ưu đãi thuế nội địa 10% cho những xe động cơ xăng dung tích dưới 1.3L và động cơ diesel dung tích dưới 1.4L lít, tiêu hao nhiên liệu dưới 5 lít/100km, phát thải CO2 dưới 120g/km, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4.
Indonesia cũng có chính sách thuế tương tự Thái Lan dành cho dòng xe nhỏ, giá rẻ. Từ 2010, xe giá rẻ giá từ 4.400-7.400 USD, tiêu thụ nhiên liệu tối đa 5 lít/100 km, tỷ lệ nội địa hóa bắt buộc là 60%. Thuế xa xỉ với ô tô tại Indonesia dao động từ 30-75%. Riêng dòng xe chiến lược với tỷ lệ nội địa hóa trên 60%, thuế xa xỉ chỉ còn 10%, còn dòng xe giá rẻ được miễn hoàn toàn. Với chính sách này, cả Thái Lan và Indonesia có thể cũng vi phạm các cam kết của WTO.
Công nghiệp ô tô lo phá sản
Tuy nhiên, các quốc gia này thực hiện từ nhiều năm nay mà không thấy bị kiện ra WTO.
Giải thích về vấn đề này, một số chuyên gia cho biết, Malaysia không công bố rộng rãi. Các DN tham gia cũng cam kết không công bố. Các nhà đầu tư nước ngoài còn cung cấp linh kiện cho các DN ô tô Malaysia, nên họ cũng được hưởng lợi và không có ý kiến gì.
Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện giúp giảm giá thành xe lắp ráp trong nước, để xe nội cạnh tranh được với xe nhập khẩu (ảnh minh họa - Lê Anh Dũng
Thái Lan và Indonesia thì ưu đãi cho dòng xe chiến lược, ít quốc gia sản xuất và không DN nào nhập khẩu về phân phối nên không bị ảnh hưởng. Điều quan trọng là khi tất cả các hãng ô tô đều tham gia vào “sân chơi” chung thì không ai đi kiện làm gì.
Với chương trình xe pick up tại Thái Lan, hàng loạt DN như Ford, GM, Toyota, Mitsubishi, Nissan, Mazda,... đều tham gia, cùng hưởng lợi. Với dòng xe eco-car cũng vậy.
Indonesia cũng tương tự. Hầu hết các thương hiệu như Toyota, Daihatsu, Suzuki, Honda,... đều làm xe nhỏ, giá rẻ nên không DN nào đề nghị Chính phủ của mình kiện ra WTO.
Nhờ vậy, ngành công nghiệp ô tô của các quốc gia này phát triển khá mạnh. Các DN đẩy mạnh mua linh kiện trong nước, giá xe nội địa giảm thấp, người dân được hưởng lợi. Chẳng hạn, tại Malaysia, giá xe của các thương hiệu nội địa như Proton và Perodua rẻ hơn thị trường ít nhất 10%, sau đó là 20% nhờ được ưu đãi và giảm thuế. Malaysia có những mẫu xe giá chỉ 250 triệu đồng nhưng sử dụng động cơ Nhật Bản kèm theo nhiều tính năng hiện đại, người dân xếp hàng chờ mua.
Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), cho rằng, nếu không có chính sách khuyến khích các DN ô tô mua linh kiện trong nước, công nghiệp ô tô Việt Nam chắc chắn chỉ dừng lại ở lắp ráp. Chúng ta đang đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô dựa trên giá bán. Chính sách này không khuyến khích các DN đầu tư đẩy mạnh sản xuất linh kiện trong nước.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Hyundai Thành Công, cho hay, nếu không ưu đãi thuế TTĐB cho sản xuất lắp ráp trong nước, có thể dẫn đến phá sản kế hoạch đầu tư của các DN ô tô hiện nay.
Hơn nữa, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với những linh kiện sản xuất trong nước sẽ giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và thúc đẩy xuất khẩu ô tô, ông Đức nói.
Theo ông Huyên, từ năm 2011, ông đã kiến nghị Bộ Công Thương xin được hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước với sản phẩm ô tô. Bộ Công Thương khi đó đồng tình, nhưng Bộ Tài chính lại không. Trong khi các nước thực hiện thì không sao, còn mình chưa thực hiện mà cứ lo bị kiện. Chỉ có điều, thời gian thì cứ trôi đi và cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô thì bị bỏ lỡ.
Theo Trần Thủy
VietnamNet