Bỏ mấy chục tỷ USD đầu tư đường sắt, liệu có cạnh tranh được với hàng không?
(Dân trí) - “Đường sắt cao tốc chỉ vận tải hành khách, nhiều nước không phát triển đường sắt cao tốc nữa như Mỹ, họ tập trung vận tải đường bộ. Vậy tài khoá trong 5-10 năm tới của Việt Nam, nếu bỏ mấy chục tỷ vào đường sắt, có cạnh tranh với hàng không được không? Có hiệu quả hơn không?”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng: Phải tính toán trong bài toán nguồn lực đầu tư hạ tầng là rất quan trọng trong bối cảnh nguồn lực hạn chế”.
Đây là nội dung được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chia sẻ tại Lễ Công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam với chủ đề “Việt Nam – Kết nối vì Phát triển và Thịnh vượng chung” được Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố sáng 15/1 tại Hà Nội.
Theo đó, các chuyên gia của WB đưa ra 9 khuyến nghị cụ thể, bao gồm rất nhiều khuyến nghị định lượng, định tính về kết nối hạ tầng giao thông vận tải liên vùng, hiện đại và hệ thống liên kết mềm như: điện tử, thương mại điện tử, viễn thông và dịch vụ công.
Nghiên cứu của WB chỉ ra cho Việt Nam các hướng xây dựng hạ tầng kết nối tích hợp giữa các loại hình khác nhau, trên cơ sở quy hoạch đồng bộ với thương mại, dịch vụ, kinh tế biển và hướng mở của nền kinh tế Việt Nam...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, khuyến nghị về chính sách kết nối về đầu tư và giao thông hướng mạnh vào thương mại là điểm đáng chú ý vì Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, hướng xuất khẩu và nền kinh tế biển.
“Có lẽ không có quốc gia nào quy mô tương đương như Việt Nam mà có độ mở về kinh tế, thương mại lớn như Việt Nam - 190% quy mô GDP - trừ Hong Kong và Singapore đã có lịch sử phát triển từ trước”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng: Trong thời đại mới, cạnh tranh về chính sách thương mại không nên chỉ coi trọng thương mại quốc tế mà phải tính toán tới tiêu dùng trong nước. Với mức tiêu thụ của 96 triệu dân, tầng lớp trung lưu tăng nhanh chóng, theo báo cáo đánh giá đa chiều của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng 15%.
Theo Phó Thủ tướng, câu hỏi đặt ra là giao thông vận tải phải đi trước và mở đường. Vậy tích hợp như thế nào, làm cái gì trước phải tính rất kỹ trước.
Ông lấy ví dụ: Trước đây, khi Chính phủ quyết tâm làm đường cao tốc từ Hà Nội đi Lào Cai, nhiều người nói làm đường xong ai đi nhưng rõ ràng, có đường, các tỉnh phía Bắc tăng trưởng kinh tế mạnh, số lượng lưu chuyển trên đường này tăng nhanh.
Theo Phó Thủ tướng, giao thông không chỉ đi trước mở đường mà còn đa mục tiêu, vì vậy phải có chiến lược hạ tầng giao thông căn bản, theo hướng hiện đại và tích hợp với hệ thống chính sách thương mại với thế giới.
Theo Phó Thủ tướng, kết nối vùng rất quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Vấn đề quan trọng của Việt Nam là chính sách tài khoá như hiện nay có tạo được liên kết vùng khi phân công và lập dự toán ngân sách như hiện nay thì chủ tịch tỉnh nào cũng muốn đi gọi dự án về cho tỉnh mình.
“Lợi thế so sánh để kéo nhà đầu tư về đôi khi không phải do tỉnh quyết định mà nhiều khi do chính nhà đầu tư quyết định”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ví dụ như tỉnh Đồng Nai, Bình Dương có đất cứng, cao hơn mực nước biển… nên ở đây chỉ toàn phát triển khu công nghiệp, mà tại sao bất động sản chỉ phát triển ở Hà Nội, TP. HCM và ở các tỉnh ven biển.
Lãnh đạo Chính phủ nói: Việt Nam không có chính quyền vùng như các nước, trong khi mô hình thử nghiệm liên kết vùng có nhưng đến giờ chưa phát huy thành công trong hợp tác và liên kết phát triển.
An Linh