1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bộ Giao thông Vận tải "xin" cơ chế đặc thù cho dự án cao tốc Bắc - Nam

(Dân trí) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết sẽ đề xuất với Quốc hội, Chính phủ áp dụng nhiều cơ chế, chính sách mới có tính đặc thù trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Dự kiến, Bộ GTVT sẽ có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vào tháng 10/2017 xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Trong báo cáo, Bộ GTVT đã xây dựng các nhóm cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo dự án đấu thầu cạnh tranh, minh bạch; quản lý chặt chẽ chất lượng, giá thành; khắc phục bất cập về thu phí…

Để thu hút được các nhà đầu tư tham gia triển khai dự án, Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội cho phép quy định trong hợp đồng dự án, tiến độ huy động vốn chủ sở hữu phù hợp với tiến độ triển khai dự án, không áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ trình Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10 tới đây
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ trình Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10 tới đây

Theo lý giải của Bộ GTVT, với quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải góp đủ vốn điều lệ đăng ký trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, đối với các dự án giao thông, nguồn vốn chỉ giải ngân theo tiến độ tương ứng với khối lượng hoàn thành.

Vì vậy, nếu huy động vốn theo quy định Luật Doanh nghiệp sẽ có một lượng vốn lớn có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng không được sử dụng ngay, dẫn tới việc sử dụng vốn không hiệu quả và chưa phù hợp với Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Bộ GTVT cho biết, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư rất lớn, nếu để toàn tuyến là một dự án sẽ không khả thi trong việc huy động vốn và lựa chọn nhà đầu tư. Trong khi, Luật Xây dựng cho phép dự án quan trọng quốc gia có thể chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập.

Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội cho phép tách dự án cao tốc Bắc - Nam thành 20 dự án thành phần và áp dụng nhiều hình thức hợp đồng trong cùng dự án. Bộ GTVT cũng đề xuất, kiến nghị một số cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Cụ thể, trong bước nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông chỉ đánh giá sơ bộ tác động môi trường, việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ thực hiện trong bước nghiên cứu khả thi; cho phép Chính phủ giao Bộ GTVT quyết định mức tăng giá dịch vụ ngay trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hợp đồng dự án…

Để các dự án khả thi và thu hút nhà đầu tư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chấp thuận xác định mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong phương án tài chính lập hồ sơ mời thầu là 14%/năm và nhà đầu tư chỉ được chuyển nhượng cổ phần trong doanh nghiệp dự án sau khi công trình hoàn thành được nghiệm thu, đưa vào khai thác.

Cùng đó, Bộ GTVT cho rằng, Chính phủ cần cho phép Bộ này sử dụng giá trúng thầu sau khi lựa chọn nhà đầu tư làm cơ sở xác định chi phí vốn đầu tư và tính toán thời gian thu phí hoàn vốn. Các cơ quan Nhà nước và thanh tra, kiểm toán không xem xét đến giá trị dự toán sau khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Bộ GTVT cho biết, sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, một số đoạn cấp bách, có nhu cầu vận tải lớn đã có đầy đủ hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi (đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa và đoạn Dầu Giây - Phan Thiết) cần được ưu tiên triển khai trước.

Châu Như Quỳnh