Bộ Công Thương: Trưng cầu ý kiến người dân về biểu giá điện bán lẻ
(Dân trí) - Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu EVN tổ chức hội thảo lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp và nhà khoa học trong tháng 9 và tập hợp báo cáo lên Bộ trong tháng 10 tới về biểu giá điện bán lẻ.
Trong buổi họp giao ban Bộ Công Thương, đại diện Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, chênh lệch tỷ giá đã làm phát sinh khoản lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng. Do vậy, TKV kiến nghị Bộ Công Thương xem xét cho tính khoản chênh lệch tỷ giá này vào giá thành điện.
Trả lời về vấn đề này, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều nay (4/9), Cục phó Cục Điều tiết điện lực Đinh Thế Phúc cho hay, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp liên quan bao gồm cả TKV tính toán xem tác động từ biến động tỷ giá. Đây là công tác thường xuyên nhưng do thời gian qua tỷ giá có biến động mạnh nên Bộ yêu cầu doanh nghiệp báo cáo sớm hơn.
Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cũng thừa nhận, nếu khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá lớn sẽ có ảnh hưởng tới giá bán lẻ điện.
“Dựa vào báo cáo của doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ có tính toán và cân đối sức chịu đựng của doanh nghiệp cũng như tác động cụ thể tới giá bán lẻ điện ra sao để có biện pháp cụ thể và đề xuất lãnh đạo Bộ có giải pháp”, ông Phúc cho hay.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về việc nghiên cứu, điều chỉnh Biểu giá bán lẻ điện theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Phúc cho hay, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có báo cáo lãnh đạo Bộ về các phương pháp cải tiến biểu giá bán lẻ điện. Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu EVN tổ chức hội thảo lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp và nhà khoa học trong tháng 9 và tập hợp báo cáo lên Bộ trong tháng 10 tới.
“Việc thay đổi biểu giá bán lẻ điện theo quy định là do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Sau khi EVN có báo cáo đề án lên Bộ Công Thương, Bộ Công thương sẽ tập hợp rồi báo cáo Chính phủ", ông Phúc cho biết.
Về công tác đảm bảo nguồn điện, đại diện Bộ Công thương khẳng định, điều hành cung ứng điện không bị động và vẫn đảm bảo không thiếu điện.
“Trong công tác đảm bảo cung ứng điện ngay từ đầu năm, cơ quan điều hành đã lên 3 kịch bản. Trên thực tế cung cứng điện đang điều hành theo phương án cao, nên không bị động và vẫn đảm bảo, ngay cả trong những tháng nắng nóng. Từ nay tới cuối năm thuỷ văn có thể biến động bất thường nhưng nếu thiếu thuỷ điện sẽ sẽ tăng nguồn nhiệt điện và đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội”, ông nói thêm.
Phương Dung