1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ Công Thương: Sẽ luôn đảm bảo ngành điện kinh doanh có lợi nhuận!

(Dân trí) - Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, giá điện được điều hành theo cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, Chính phủ sẽ xem xét, điều hành giá điện nhằm đảm bảo giá bán điện luôn cao hơn giá thành sản xuất điện, đảm bảo doanh nghiệp thu được mức lợi nhuận hợp lý.

 

 Chính phủ sẽ xem xét, điều hành giá điện nhằm đảm bảo doanh nghiệp thu được mức lợi nhuận hợp lý.
 Chính phủ sẽ xem xét, điều hành giá điện nhằm đảm bảo doanh nghiệp thu được mức lợi nhuận hợp lý.

Giá điện đảm bảo cao hơn giá thành

Phát biểu tại buổi hội thảo lấy ý kiến về đề án sửa biểu giá điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định, về mặt điều hành giá điện, Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, quy định nhằm cụ thể hóa chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước trong điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. 

"Chính phủ sẽ xem xét, điều hành giá điện nhằm đảm bảo giá bán điện luôn cao hơn giá thành sản xuất điện, đảm bảo để các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thực hiện thu hồi chi phí sản xuất, đồng thời thu được mức lợi nhuận hợp lý", ông Tuấn khẳng định.

Song song với đó, ông Tuấn cũng cho biết, Nhà nước thực hiện chính sách an sinh xã hội thông qua việc hỗ trợ tiền điện trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ chính sách và cụ thể hiện nay đang hỗ trợ 30 kWh điện đối với hộ nghèo và hộ chính sách. Riêng trong năm 2015, Nhà nước đã hỗ trợ ước khoảng 210 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

"Hiện nay với mức giá bán lẻ hiện hành đang quy định ở mức đầu tiên cũng đã là mức giá tính toán hỗ trợ cho các hộ nghèo và hộ chính sách. Tương ứng với 4 nhóm khách hàng chính: sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hành chính sự nghiệp và sinh hoạt sẽ có mức giá bán điện bình quân theo từng nhóm khách hàng", ông Tuấn nói.

Trao đổi về biểu giá điện, đối với nhóm ý kiến mốc tiêu thụ điện 50 kWh, ông Nguyễn Anh Tuấn giải thích, 50 kWh đầu tiên chính là bậc giá đầu tiên trong bậc giá tính điện sinh hoạt, đây chính là căn cứ để tính toán mức điện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách liên quan chặt chẽ đến an sinh xã hội. Mức 50kWh là số được tính bằng giá thành, từ 51 kWh trở lên đơn vị kinh doanh tính toán bắt đầu có lợi nhuận nhất định.

Về phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định, các chỉ đạo chung trong hoàn thành các Đề án này là phải đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, giá bán điện cho từng bậc đảm bảo cao hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện. Đồng thời, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm; đảm bảo thuận lợi cho các hộ sử dụng điện đồng thời đảm bảo cho quá trình quản trị doanh nghiệp; đảm bảo nâng cao tính công khai minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện và giảm chồng chéo giữa các đối tượng khách hàng.

Tranh cãi quanh chức năng EVN

Trao đổi với PV Dân trí, TS Ngô Trí Long từng cho rằng, 3 phương án về cơ bản xây dựng thiếu khách quan, lợi cho “nhà đèn" hơn là cho người tiêu dùng. Do đó, không nên để bản thân một đơn vị kinh doanh trong ngành xây dựng đề án mà cần có cơ quan tư vấn độc lập đứng ra làm.

Đồng quan điểm, phát biểu tại cuộc hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu: "Tôi hơi ngạc nhiên hội thảo hôm nay EVN lại đứng ra tổ chức. EVN không nên làm mà đây phải là việc của Bộ Công Thương. Xã hội sẽ hiểu nhầm về anh, công việc của anh không phải làm giá điện cho nhà nước, anh làm giá điện cho anh".

Ông Cung thẳng thắn: "EVN không phải ngành điện, cần phân biệt rõ chức năng và thẩm quyền nếu không người ta nghĩ rằng EVN là đại diện cho nhà nước trong khi mặt quản lý nhà nước EVN chỉ kinh doanh".

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, giá điện sẽ minh bạch và đâu vào đấy nếu tách riêng việc kinh doanh và làm chính sách. “Giá điện phải minh bạch các khoản chi phí bao gồm từ sản xuất, truyền tải, phân phối cho tới bán lẻ. Chính sách phân biệt giàu nghèo là không ổn. Việc trợ cấp cho người nghèo là việc của nhà nước, không phải của EVN. Nếu EVN kiểu như thế này là gánh hết dư luận và không công bằng", ông Cung nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, điện vừa là ngành kinh tế vừa gắn chính trị và an sinh xã hội. Nhà nước thành lập EVN có quy chế, điều lệ quy định chức năng, nhiệm vụ của EVN do đó bức xúc điều chỉnh cơ chế không thể nói mình EVN.

Phản hồi những ý kiến trên, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, trách nhiệm xây dựng biểu giá bán lẻ điện là của Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng các phương án điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện, trong đó có biểu giá bán điện sinh hoạt để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Với những ý kiến tại buổi Hội thảo, Bộ Công Thương sẽ tập hợp lại nghiên cứu, đề xuất ra biểu giá lẻ điện sao cho phù hợp nhất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Còn theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định, EVN là một doanh nghiệp Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ Công Thương giao việc xây dựng Đề án Cải tiến biểu giá bán lẻ điện. Điện là vấn đề hết sức nhạy cảm, và đây là lần đầu Bộ Công Thương, EVN đã đưa Dự thảo ra lấy ý kiến rộng rãi trên toàn quốc.

Phương Dung

Bộ Công Thương: Sẽ luôn đảm bảo ngành điện kinh doanh có lợi nhuận! - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm