Bộ Công Thương nói về việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Thanh Thương

(Dân trí) - Dù ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, nhưng Bộ Thương Mại Mỹ tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Bộ Công Thương vừa có thông tin liên quan đến việc đề nghị Mỹ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Theo đó, cơ quan này cho biết ngày 2/8, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận, theo đó vẫn tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường dù ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế nước ta trong thời gian qua.

"Điều này có nghĩa doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Đồng thời chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng "giá trị thay thế" của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá", Bộ Công Thương cho biết.

Theo cơ quan này, nếu Bộ Thương mại Mỹ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường như 72 nền kinh tế khác đã công nhận.

"Hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi và phát triển vượt bậc. Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi thành công 17 hiệp định thương mại tự do…", Bộ Công Thương đánh giá.

Bộ Công Thương nói về việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường - 1

Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá (Ảnh: Thilogi).

Bộ cho biết những thay đổi này đã được làm rõ trong hơn 20.000 trang thông tin, tài liệu mà Bộ Công Thương gửi tới Bộ Thương mại Mỹ, chứng minh sự tiến bộ mạnh mẽ của Việt Nam trên tất cả 6 tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra khi xem xét công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Bộ Công Thương cho biết các bản lập luận mà Bộ này cung cấp cho Bộ Thương mại Mỹ cũng chứng minh một cách đầy đủ, nhất quán về mức độ thực hiện sáu tiêu chí này của Việt Nam ít nhất là ngang bằng và thường tốt hơn so với mức độ thực hiện của các quốc gia khác đã được công nhận nền kinh tế thị trường.

"Và thực tế tương đương hoặc tốt hơn các quốc gia đã luôn được coi là nền kinh tế thị trường", Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Chính vì vậy, căn cứ theo các tiêu chí cụ thể của luật pháp Mỹ, việc công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam là thực tế khách quan và công bằng.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ, để bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.