Bộ Công Thương: Nhiều đội quản lý thị trường phải thuê, mượn trụ sở làm việc

(Dân trí) - Báo cáo về hoạt động phòng buôn lậu và gian lận thương mại và kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội năm 2017 của Bộ Công Thương, bên cạnh các thành tích đạt được, Bộ Công Thương đưa ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Về thành tích, Bộ Công Thương khẳng định, trong 7 tháng đầu năm 2017, Bộ này đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thực hiện phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả hàng kém an toàn ở nhiều hàng hóa trọng điểm như phân bón, xăng dầu, rượu, khí hóa lỏng...

Bộ Công Thương cho biết, lực lượng quản lý thị trường đang khó khăn về lực lượng, phương tiện, chi phí và ngay cả chỗ làm việc nhiều nơi phải đi mượn (ảnh minh hoạ)
Bộ Công Thương cho biết, lực lượng quản lý thị trường đang khó khăn về lực lượng, phương tiện, chi phí và ngay cả chỗ làm việc nhiều nơi phải đi mượn (ảnh minh hoạ)

Kết quả đã kiểm tra hơn 113.000 vụ việc, trong đó phát hiện và xử lý hơn 53.000 vụ vi phạm (chiếm hơn 47% tổng số vụ), truy thu vào ngân sách số tiền hơn 293 tỷ đồng (trung bình mỗi vụ vi phạm bị xử phạt, truy thu 5,5 triệu đồng).

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, trong đó có sự chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau.

Đặc biệt, sự phối hợp giữa các cơ quan chống buôn lậu còn bất cập; trao đổi, cung cấp thông tin chưa thường xuyên, chưa có sự phối hợp với các địa phương với nhau để triệt phá các điểm tập kết, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng lậu.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cho rằng những hạn chế yếu kém của quá trình đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả là: "Trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường còn thiếu, lạc hậu. Nhiều đội quản lý thị trường phải thuê, mượn trụ sở làm việc, không có đủ phương tiện làm việc".

Kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu thiếu thốn, trong đó có kinh phí kiểm định chất lượng hàng hóa nhất là phân bón và phí tiêu hủy hàng hoá; phí lưu giữ bảo quản hàng vi phạm gặp khó vì không có kho chuyên dụng cho tang vật.

Theo Bộ Công Thương, thời điểm từ nay đến cuối năm tình hình buôn lậu có thể diễn biến phức tạp hơn. Bộ Công Thương sẽ yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng.

Bộ này cho biết, thời gian tới sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng phân bón, mũ bảo hiểm, thuốc lá, xe đạp điện. Kiểm tra đối với những cơ sở đã ký cam kết; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định.

Về công tác chống buôn lậu trong cả nước, theo Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia), trong 6 tháng đã phát hiện, xử lý 88.500 vụ vi phạm, thu nộp NSNN gần 8.000 tỷ đồng, khởi tố gần 1.200 vụ với 1.372 đối tượng.

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa diễn biến phức tạp. Thời gian gần đây, các đối tượng buôn lậu, hàng giả đã lợi dụng kẽ hở vận tải hàng không để vận chuyển nhiều loại hàng hóa giả, nhập lậu có giá trị cao về nước. Tại các cảng hàng không quốc tế, thời gian qua đã phát hiện và xử lý ngày càng nhiều loại ma tuý, động vật hoang dã quý hiếm, ngoại tệ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, xì gà.

An Linh