Bộ Công Thương giãi bày chuyện xăng "tăng nhanh, giảm chậm"

(Dân trí) - “Không phải cứ giá thế giới lên là tăng ngay, giá thế giới giảm là giảm ngay. Cũng không phải là khi giá lên tính bình quân 10-15 ngày, khi giá xuống tính bình quân 30 ngày. Không bao giờ liên Bộ tính như vậy!” - đại diện Bộ Công thương khẳng định.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Ảnh: BD).
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Ảnh: BD).

Chiều ngày 3/9, trao đổi tại phiên họp báo thường kỳ Bộ Công thương, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, trong tổng số gần 900 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) có 388 tỷ đồng từ kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, theo ông Quyền, với việc nhập khẩu 4,4 triệu tấn xăng dầu trong nửa đầu năm, theo quy định tại Nghị định 84, lãi định mức là 300 đồng/lít thì nhẽ ra Petrolimex phải lãi tới 1.200 tỷ đồng!

“Nhiều người cho rằng, nếu dùng vốn đó không kinh doanh xăng dầu mà gửi tiết kiệm thì lãi tốt hơn. Đó là đơn thuần về mặt tài chính” – ông Quyền nói. Tuy nhiên, bên cạnh kinh doanh lấy lãi, Petrolimex còn phải có sự chia sẻ với xã hội nên “thay vì lãi 1.200 tỷ thì Petrolimex chỉ lãi 388 tỷ đồng”.

Đáp lại dư luận “vì sao doanh nghiệp luôn kêu lỗ nhưng kết quả lại lãi”, ông Quyền nói, việc lãi/lỗ là cả một quá trình. Petrolimex là công ty đại chúng nên phải báo cáo tài chính 6 tháng và cả năm và qua rà soát của cơ quan kiểm toán.

Vì sao “tăng nhanh, giảm chậm”?

Liên quan đến điều hành giá xăng dầu, ông Quyền tiếp tục khẳng định, việc tăng/giảm giá bán xăng dầu tuân thủ theo Nghị định 84. Do đó, việc 3 lần tăng giá liên tiếp trong tháng 6, tháng 7 là hợp lý. Theo Nghị định 84, giá bán xăng dầu phải căn cứ vào giá bình quân thế giới 30 ngày và giá cơ sở.

Do căn cứ theo giá bình quân thế giới 30 ngày nên việc tăng/giảm không tức thì. Hơn nữa, việc điều hành còn phải đánh giá tác động đến an sinh xã hội và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

Ông Quyền nhận xét, việc áp dụng giá bình quân thế giới 30 ngày tạo nên một “bước đệm” để phản ánh đúng diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Chẳng hạn, trong vòng 1 tuần nay, sau thông tin căng thẳng Syria thì giá xăng dầu thế giới đã tăng rất mạnh do hoạt động đầu cơ và lo ngại bất ổn.

Xăng RON 92 thế giới hiện tại đã ở mức 117 USD/thùng, có lúc lên 119 USD/thùng. “Rõ ràng, nếu tính vào thời điểm hiện nay thì các doanh nghiệp sẽ bị lỗ.  Mức lỗ mà Hiệp hội Xăng dầu báo là chưa tính đến quỹ bình ổn” – ông Quyền cho hay. Tính tại ngày 2/9, giá bán lẻ đang cao hơn giá cơ sở 336 đồng/lít tương ứng 1,37%.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Ảnh: BD).

Giá xăng RON 92 Singapore tăng mạnh từ 23/8, tuy nhiên, bình quân giá 30 ngày chưa có nhiều biến động và vẫn đang thấp hơn nhiều so với mức giá tháng 7.

Từ cuối tháng 8, mức giá cơ sở đối với xăng RON 92 đã cao hơn giá bán lẻ.

Từ cuối tháng 8, mức giá cơ sở đối với xăng RON 92 đã cao hơn giá bán lẻ.

“Không phải cứ giá thế giới lên là tăng ngay, giá thế giới giảm là giảm ngay. Cũng không phải là khi giá lên tính bình quân 10-15 ngày, khi giá xuống tính bình quân 30 ngày. Không bao giờ liên Bộ tính như vậy!” – đại diện Bộ Công thương khẳng định. Nếu điều chỉnh tăng/giảm tức thì theo giá thế giới thì theo ông Quyền, trong tuần vừa rồi, giá phải điều chỉnh rất nhiều lần.

Cũng theo ông Quyền, do xăng dầu không phải là nguồn nhiêu liệu tái tạo, nên xu hướng tăng là chủ yếu. Nếu như năm 2002 mức giá chỉ 20 USD/thùng nhưng đến nay đã trên 100 USD/thùng.

Ngoài ra, về việc sửa đổi Nghị định 84, hiện tại Bộ Công thương đã trình dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 84 cho Bộ Tư Pháp thẩm định. Nghị định mới được cho biết không hoàn toàn tách rời, phủ định Nghị định 84 mà vẫn trên tinh thần cũ.

Theo đó, mặc dù định hướng điều hành giá xăng dầu theo xu hướng thị trường nhưng "chưa bao giờ từ bỏ hoạt động kiểm soát giá của Chính phủ". Chỉ khi tạo được một môi trường cạnh tranh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu, lúc đó Nhà nước mới rút bàn tay điều hành ra khỏi hoạt động kiểm soát giá - ông Quyền nhấn mạnh.

Bích Diệp