Bộ Công Thương: EVN lỗ gần 22.000 tỷ đồng từ sản xuất điện năm 2023
(Dân trí) - Bộ Công Thương cho biết theo kết quả kiểm tra chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023, EVN lỗ lên tới gần 22.000 tỷ đồng.
Bộ Công Thương vừa công bố kết quả kiểm tra chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Số liệu này được căn cứ trên kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra của Bộ và các cơ quan liên quan. Đây sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương và EVN tính toán, đề xuất mức điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Giá sản xuất điện năm 2023 tăng 2,79%
Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 528.604,24 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành, tăng 35.338,94 tỷ đồng (tương ứng tăng 7,16%) so với năm 2022.
Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,9 đồng/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022. Trong đó, các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên.
Như vậy, với giá bán lẻ điện bình quân duy trì ở mức 2.006,79 đồng/kWh từ tháng 11/2023 đến nay, EVN lỗ hơn 82,11 đồng/kWh điện bán ra.
Cụ thể, tổng chi phí khâu phát điện là 441.356,37 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.744,12 đồng/kWh; so với năm 2022, chi phí khâu phát điện năm 2023 tăng 29.112,84 tỷ đồng.
Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 18.879,15 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 74,61 đồng/kWh. Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 66.773,11 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 263,87 đồng/kWh.
Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.595,6 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,31 đồng/kWh. Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 428,54 tỷ đồng.
EVN lỗ gần 22.000 tỷ đồng từ sản xuất điện
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ 34.244,96 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện là 12.423,4 tỷ đồng.
Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN (thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) lỗ 21.821,56 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác). Trước đó, năm 2022, tập đoàn này lỗ 20.747 tỷ đồng.
Đầu năm nay, Tổng giám đốc EVN cho biết sau 2 lần được tăng giá bán lẻ điện bình quân trong năm ngoái, thêm 7,5%, EVN vẫn không đủ bù đắp chi phí sản xuất.
"Do các thông số đầu vào duy trì ở mức cao và tiếp tục lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp. Số lỗ này chủ yếu do giá bán ra của EVN vẫn thấp hơn giá thành. Trong đó, cứ mỗi kWh điện bán ra, EVN lỗ hơn 142 đồng", ông Tuấn nói.
Tại Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới đây, lãnh đạo EVN cho biết giá thành mua điện năm nay tiết kiệm được 2.000 tỷ đồng. "Còn lại 18% để tối ưu hóa hệ thống của EVN, nhưng với 18% này, kể cả tiết kiệm, tối ưu cũng không có cách gì để bù đắp được các chi phí", ông Tuấn thừa nhận.
Theo Quyết định 05/2024 thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ ngày 15/5 năm nay, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng.
Theo Quyết định này, giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Nếu tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Tại họp báo thường kỳ quý II của Bộ Công Thương cuối tháng 6 vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Thế Hữu cho biết Bộ Công Thương đã cử đoàn kiểm tra giá thành điện năm 2023 của EVN.
"Do đó, thời điểm điều chỉnh giá điện và mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào kết quả kiểm tra này và chỉ đạo của Bộ Công Thương và Chính phủ", ông Hữu nói.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Bộ Công Thương đã có đoàn kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ chế, giá để tính toán lại, đảm bảo đúng theo quy định. Khi có kết quả, Bộ sẽ tính toán thời gian và mức điều chỉnh giá.