Bình Định:
Bò chết do viêm da nổi cục, nông dân được vay 15 triệu đồng không lãi suất
(Dân trí) - Mỗi hộ gia đình chăn nuôi nếu có một con bò chết do dịch bệnh viêm da nổi cục được hỗ trợ vay vốn tối đa không quá 15 triệu đồng không lãi suất, thời hạn vay 12 tháng.
UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành quyết định về phân bổ nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển tái đàn bò trên địa bàn tỉnh, nhằm hỗ trợ các hộ chăn nuôi tái đàn sau dịch bệnh viêm da nổi cục, làm chết gần 3.400 con.
Tổng vốn hỗ trợ là 45 tỷ đồng, trong đó vốn ủy thác đầu tư từ ngân sách địa phương là 15 tỷ đồng, vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam là 30 tỷ đồng.
Theo đó, mức cho vay được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 15 triệu đồng mỗi người lao động hoặc hộ gia đình (bao gồm tiền mua con giống, thức ăn, thuốc thú y) đối với hộ gia đình chăn nuôi có một con bò bị bệnh chết, xử lý tiêu hủy do dịch bệnh viêm da nổi cục.
Trường hợp hộ gia đình chăn nuôi có từ 2 con bò trở lên bị bệnh chết, xử lý tiêu hủy do dịch bệnh thì mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 30 triệu đồng mỗi người lao động hoặc hộ gia đình.
Số vốn hỗ trợ này sẽ được phân bổ về các phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội tại các huyện, thị xã, thành phố; giải ngân từ ngày 1/10 đến 31/12, thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa 12 tháng.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, nguồn vốn trên nhằm khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động phục hồi, duy trì và phát triển tái đàn bò sau dịch bệnh viêm da nổi cục trên bò và ổn định giá cả bò hơi, cân bằng cung cầu thị trường.
Đối tượng vay vốn là người lao động trực tiếp chăn nuôi bò, hộ gia đình chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh có bò bị dịch bệnh chết, xử lý tiêu hủy do dịch bệnh viêm da nổi cục trên bò có tên trong danh sách được UBND cấp huyện phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định, dịch bệnh viêm da nổi cục trâu, bò khởi phát đầu tiên ngày 27/4, tại thôn Phú Trung, xã Cát Thành, huyện Phù Cát. Sau đó dịch lây lan ra 830 thôn thuộc 144/159 xã, phường, thị trấn của 11/11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Tổng số bò mắc bệnh hơn 21 nghìn con (chiếm gần 6,8% tổng đàn). Trong đó số bò bệnh, chết buộc xử lý tiêu hủy gần 3.400 con (chiếm hơn 1% tổng đàn), chủ yếu là bê và bò già.
Ông Nguyễn Văn Quốc cho biết thêm, từ ngày 25/8 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định không còn phát sinh trâu, bò mắc bệnh, chết do bệnh viêm da nổi cục. Hiện, có hơn 243,4 nghìn trâu, bò đã tiêm phòng vaccine phòng bệnh, đạt gần 91% tổng đàn diện tiêm.
"Chúng tôi đang hoàn tất thủ tục đề nghị Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng IV kiểm tra, thẩm định điều kiện công bố hết dịch viêm da nổi cục trên toàn tỉnh. Về chính sách hỗ trợ tái đàn, hiện UBND tỉnh đã triển khai cho vay không lãi suất 45 tỷ đồng, bình quân 15 triệu đồng/hộ có bò dịch bệnh chết. Riêng hỗ trợ gia súc chết do dịch thì đang chờ Trung ương xem xét mức hỗ trợ", ông Nguyễn Văn Quốc thông tin thêm.