BM Windows và nỗ lực đưa mặt dựng nhôm kính Việt Nam ra thế giới
(Dân trí) - Đầu tư nhà máy, công nghệ hiện đại, nỗ lực đáp ứng tiêu chí khắt khe của thị trường quốc tế giúp doanh nghiệp nhôm kính Việt Nam được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn, theo đại diện BM Windows.
"Để tham gia vào dự án xuất khẩu, nhất là thị trường Bắc Mỹ, doanh nghiệp phải đáp ứng được tất cả yêu cầu kỹ thuật phức tạp thông qua năng lực sản xuất và nền tảng cơ sở vật chất, từ nhà máy, công nghệ, trang thiết bị đến nguồn lực con người", ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc điều hành BM Windows, chia sẻ tại hội nghị Zak được tổ chức tại Toronto, Canada, ngày 22/5.
Zak World of Façades là hội thảo toàn cầu tập trung vào thiết kế và kỹ thuật kết cấu bề mặt ngoài của tòa nhà, đã được tổ chức tại hơn 40 quốc gia. Ở sự kiện thứ 150 tại Toronto, Zak tập trung vào đổi mới bền vững và giải quyết các thách thức của ngành xây dựng liên quan đến vỏ tòa nhà.
BM Windows, đại diện của Việt Nam, tham gia thảo luận cùng các chuyên gia về chủ đề mua sắm toàn cầu. Đây là doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn thử thách thị trường trong nước khi triển khai hơn 550 dự án, chinh phục các thị trường khó tính như Canada, Úc, Mỹ, nhất là dự án The One, tòa tháp cao 91 tầng tại Toronto.
Theo sự kiện, các kết nối thương mại và công nghệ mới đang tạo ra nhiều thuận lợi cho hoạt động kinh doanh quốc tế, khiến mua sắm toàn cầu dễ dàng hơn. Điều này giúp doanh nghiệp, chủ đầu tư có thêm cơ hội lựa chọn sản phẩm, nhà cung cấp với nhu cầu, chi phí, chất lượng phù hợp.
Các sản phẩm đến từ Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh, từ nền tảng nhà máy, nhân công, sản xuất khối lượng lớn, các nguồn vật tư lân cận… Ngoài ra, nguồn nhân lực năng động, ham học hỏi và dễ thích ứng với công nghệ façade toàn cầu, hứa hẹn sẽ có những bước tiến xa hơn nữa tại thị trường quốc tế, đại diện BM Windows cho biết.
Cũng theo đại diện BM Windows, năng lực kỹ thuật và chất lượng sản xuất là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp này được các thị trường khó tính đón nhận. Đơn cử như dự án The One với các chỉ số kỹ thuật cao ở khu vực Bắc Mỹ, nhưng doanh nghiệp đã vượt qua được toàn bộ quy trình kiểm tra 16 bước với các thử nghiệm nghiêm ngặt.
Để đạt được điều này, ông Trần Thanh Dũng chia sẻ trước khi bắt tay vào sản xuất, toàn bộ quá trình tính toán về phương án kỹ thuật, giải pháp gia công của mỗi dự án đều được BM Windows triển khai. Các kỹ sư và chuyên gia phù hợp được tập trung để nghiên cứu kỹ hồ sơ kỹ thuật dự án.
Sau đó, doanh nghiệp mời chủ đầu tư và các chuyên gia đến Việt Nam làm việc, phản biện các giải pháp, hồ sơ kỹ thuật và đánh giá các cơ sở BM Windows. Toàn bộ quá trình kiểm tra đều có sự tham gia chứng kiến của tất cả các đơn vị quốc tế tham gia dự án, bao gồm chủ đầu tư, tư vấn, thiết kế…
Sự tham gia của nhiều bên giúp doanh nghiệp đảm bảo các sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật cao tại tất cả các khâu, từ kiểm tra nguyên vật liệu đầu vào, các bước sản xuất và cuối cùng là sản phẩm hoàn thiện trước khi xuất xưởng.
"Hợp tác chặt chẽ với khách hàng để hiểu nhu cầu riêng của họ và điều chỉnh các giải pháp phù hợp bất chấp khoảng cách địa lý hay yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nhận được sự tin tưởng khi ra thị trường quốc tế", lãnh đạo BM Windows cho biết.
Trong nước, BM Windows đang triển khai loạt dự án lớn tại TPHCM như: Sân bay Long Thành, The Sun Tower quận 1, dự án khu đô thị phức hợp The Global City, dự án The Opera Residence tại Thủ Thiêm hay các dự án bên bờ sông Sài Gòn như The Nexus, Thủ Thiêm Zeit River, De La Sol, IFC One Saigon, Hilton Saigon... Đồng thời, doanh nghiệp còn đẩy mạnh xuất khẩu qua Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Campuchia, Myanmar…
Việc đẩy mạnh chuyển hướng sang xuất khẩu được cho là bước đi cần thiết trong bối cảnh ngành nhôm kính Việt Nam đang gặp khó khăn, như năng lực sản xuất của ngành dư thừa so với nhu cầu trong nước, nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng, quy định áp thuế chống bán phá giá với nhôm Trung Quốc sẽ hết hiệu lực từ tháng 10…
Việc tiến ra sân chơi toàn cầu không dễ dàng bởi loạt tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe tại từng quốc gia hay khu vực, nhưng là cách giúp doanh nghiệp Việt chứng tỏ năng lực trên thị trường quốc tế.