Bịt lỗ hổng bán đất vàng Nhà nước giá "bèo"

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, thực tế, tình trạng các khu đất vàng đều được chuyển nhượng, sang tên hoặc chỉ định đầu tư mà không hề qua đấu giá công khai, nên mới xảy ra thất thoát, lãng phí lớn.


(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Thống kê từ Tổng cục Thuế cho thấy, trong hơn 2 năm qua, 60 doanh nghiệp Nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong tổng diện tích đất được Nhà nước giao, cho thuê theo hợp đồng gốc là 1.680.654 m2, có 834.013 m2 được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất sản xuất - kinh doanh, đất ở, đất nông nghiệp sang các dự án chung cư thương mại, cao ốc cho thuê, khu hỗn hợp nhà ở và trường học.

Lỗ hổng trong chuyển đổi đất vàng

Bộ Tài chính cho biết, qua rà soát của cơ quan thuế, trong quá trình chuyển đổi có xảy ra tình trạng xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường, thậm chí tại một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.

Trao đổi với báo chí, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương chỉ ra rằng, một số doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ "đất vàng" không còn sử dụng hoặc thuộc diện phải di dời đã không trả lại đất cho Nhà nước mà kêu gọi hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có, sau đó thực hiện thoái toàn bộ vốn góp.

Một cách “lách luật” khác khá phổ biến là doanh nghiệp không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa hoặc vào giá khởi điểm khi thoái vốn khiến tài sản Nhà nước được định giá đã không phản ánh sát giá thị trường, là kẽ hở gây thất thoát.

TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng từng cho hay, trong thời kỳ bao cấp, đất đai chỉ có giá trị sử dụng chứ không có giá trị quy đổi thành tiền nên việc cấp đất rất thoải mái. Về lý thuyết, đất vàng sau khi doanh nghiệp Nhà nước di dời phải được bàn giao lại cho địa phương hoặc các bộ ngành quản lý. Trong trường hợp muốn bán lại, nhượng lại cho chủ đầu tư khác phải tổ chức đấu thầu, phải qua cạnh tranh mới có giá thực sự, nếu không người dân sẽ không biết giá thực là bao nhiêu.

Nhưng thực tế, các khu đất vàng đều được chuyển nhượng, sang tên hoặc chỉ định đầu tư mà không hề qua đấu giá công khai, nên mới xảy ra thất thoát, lãng phí rất lớn.

Vá lỗ hổng bằng cách nào?

Bộ Tài chính mới đây cũng kiến nghị thanh tra một số dự án có dấu hiệu vi phạm và đề xuất tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận: “Ở đây, có vẻ như là trong quá trình cổ phần hoá, liên doanh liên kết, có tài sản đặc biệt là quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp Nhà nước chưa được định giá một cách chính xác, chưa có quy chế quy định trong việc đưa tư nhân vào làm. Do đó, có thể có những sơ hở, có thể làm thất thoát tài sản của Nhà nước, là tài sản lớn của Nhà nước thì việc thanh kiểm tra là việc bình thường, nên làm”.

Trao đổi với Dân trí, một số chuyên gia cũng cho rằng, việc thực hiện thanh kiểm tra là việc nên làm, thậm chí còn phải thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, về kiến nghị tạm dừng triển khai dự án để thanh kiểm tra thì cần phải cân nhắc.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA, trên thực tế, nhiều dự án đã chuyển đổi mục đích sử dụng đã biến nhiều khu đất nhà xưởng thành đất ở với các dự án phát triển bất động sản góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị. Trong khi đó, nhiều dự án đã hoàn thành, người dân sinh sống ổn định, có những dự án đang triển khai thi công, có những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư...

HOREA cho rằng, cần có giải pháp xử lý phù hợp để vừa đảm bảo quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng pháp luật, xác định giá đất sát giá thị trường, không làm thất thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, nhất là phải tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà. Theo đó, HOREA đề nghị vẫn cho phép các chủ đầu tư dự án bất động sản giao đất không qua đấu giá được tiếp tục triển khai thi công nhằm hoàn thành, đưa dự án vào sử dụng.

Còn theo TS Phạm Sỹ Liêm: "Những khu đất đó khi chuyển đổi thì được định giá thấp rồi biến thành của tư nhân. Nếu khi mua xong mà chỉ để nguyên thế thì không thể hiện cái gì nhưng nó lại ở những vị trí đẹp nên các chỗ đó thành đất vàng, giá trị cao, họ phát triển dự án và kiếm được lãi rất nhiều. Cho nên, giờ Nhà nước muốn thu hồi phần giá trị chênh lệch đó lại để đưa trở lại ngân sách. Tôi cho rằng đây là chủ trương đúng đắn nhưng không dễ mà làm. Nên làm thí điểm 1 vài dự án, từ đó có kinh nghiệm, bài học rồi tiếp tục thực hiện".

"Thị trường đã vận hành rồi thì can thiệp vào làm gì, mục đích của chúng ta là chuyển lợi ích do đất đai tạo ra trở lại cho Nhà nước. Dự án phải được thực hiện thì mới tạo ra giá trị chứ. Tôi nghĩ nên để dự án tiếp tục, ai bán cứ bán, ai mua cứ mua, Nhà nước chỉ thu hồi lợi ích về thôi", ông Liêm nói thêm và cho rằng nếu phát sinh thêm nghĩa vụ tài chính thì doanh nghiệp có trách nhiệm phải nộp trở lại cho Nhà nước.

Lâu dài phải sửa luật

Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg cùng với 2 quyết định về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và quyết định về việc ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và một số văn bản liên quan có một số điểm chưa thống nhất, chưa chặt chẽ, dễ gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Trong văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ, HOREA cho rằng, cần sửa đổi một số quyết định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất và Luật Đấu thầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu có dấu hiệu có chân gỗ, quân xanh, quân đỏ.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng Dự thảo nghị định mới về chuyền doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần thay thế Nghị định 59, Nghị định số 188 và Nghị định 116 của Chính phủ trước đó. Trong đó, xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá được coi là vấn đề quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hoá trong thời gian qua.

Phương Dung