Bình Định quyết gỡ “thẻ vàng" thủy sản

(Dân trí) - Hiện Bình Định có 3.066/3.156 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 97,1%, góp phần quan trọng thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về việc gỡ “thẻ vàng” thủy sản Việt Nam.

Bình Định quyết gỡ “thẻ vàng thủy sản - 1
Tàu cá ngư dân Bình Định được lắp các loại máy thiết bị giám sát hành trình.

Ngày 7/5, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định cho biết, tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Bình Định đã có 3.066/3.156 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 97,1%. Hiện toàn tỉnh còn 90 tàu cá tại các địa phương chưa lắp đặt thiết bị.

Theo ông Phúc, theo quy định của Luật Thủy sản, bắt buộc tàu cá trên 15 mét là phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để giúp cơ quan chức năng theo dõi, quản lý, hỗ trợ ngư dân đánh bắt an toàn, hợp pháp trên vùng biển Việt Nam. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu nhằm góp phần gỡ “thẻ vàng” thủy sản Việt Nam.

Bình Định quyết gỡ “thẻ vàng thủy sản - 2
Ngư dân Bùi Thanh Ninh chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có thể biết đội tàu của gia đình ông đánh bắt ở vùng biển nào.

“Đến nay, tỉnh Bình Định đã cơ bản đã lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Năm vừa rồi, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã vận động các doanh nghiệp, các nhà tài trợ hỗ trợ và trao tặng thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân tỉnh Bình Định với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng. Với số tiền này cùng với ngân sách của tỉnh sẽ hỗ trợ 50% cho ngư dân trong việc lắp đặt thiết bị hành trình tàu cá”, ông Phúc cho hay.

Ông Phúc cũng cho biết, theo Quyết định của UBND tỉnh Bình Định để được hỗ trợ, tàu cá phải có đủ các loại giấy tờ, như: Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép hoạt động dịch vụ hậu cần còn hiệu lực.

Bình Định quyết gỡ “thẻ vàng thủy sản - 3
Bình Định là địa phương có số lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn của cả nước.

“Việc lắp đặt thiết bị, loại máy nào để đảm bảo là do Tổng cục Thủy sản họ xét duyệt, những thiết bị đó phải đạt chuẩn của Bộ NN&PTNT đưa ra. Sau đó họ gửi vào, Sở sẽ có thông báo, giới thiệu để ngư dân lựa chọn thiết bị và hướng dẫn để ngư dân lắp đặt. Việc chọn lựa là của ngư dân, vì mỗi cái có một giá riêng”, ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cho biết.

Chủ đội tàu đánh bắt xa bờ với gần 10 chiếc, ông Bùi Thanh Ninh (63 tuổi, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) cho biết, từ Tết nguyên đán 2020 đến nay ông đã cho lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình cho đội tàu của mình.

Theo ông Ninh, việc lắp đặt những thiết bị này rất tiện ích cho ngư dân, đặc biệt là trong thời đại 4.0 này rất tiện lợi, hữu ích cho chủ tàu và ngư dân.

“Giờ tôi ở nhà nhưng muốn coi đội tàu của mình đang đánh bắt ở đâu, vị trí nào, chạy đi đâu và mấy giờ chạy… đều biết hết. Coi như mình ở nhà nhưng mà quản lý được các tàu cá trong đội. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng giúp đội tàu trong gia đình hỗ trợ lần nhau cả trong đánh bắt, kể cả khi không may tàu gặp sự cố. Vì vậy, lúc nào tôi cũng yêu cầu các tàu phải bật thiết bị liên tục”, ông Ninh chia sẻ.

Bình Định quyết gỡ “thẻ vàng thủy sản - 4
Thiết bị giám sát hành trình được kết nối với điện thoại nên rất tiện lợi cho chủ tàu quản lý thuyền viên, nhắc nhở không được đánh bắt thủy sản vi phạm lãnh hải.

Riêng với 90 tàu cá hiện chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định Trần Văn Phúc cho biết, qua làm việc thì các chủ tàu này nói không còn sản xuất nữa nên không lắp đặt. Qua đó, Sở cũng đã chỉ đạo cho Chi cục Thủy sản nếu tàu không còn sản xuất nữa thì rút giấy phép.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đã có chỉ đạo nếu sau ngày 30/4/2020, tàu cá nào không lắp thiết bị giám sát hành trình thì không hỗ trợ chi phí lắp đặt theo chính sách của tỉnh và rút giấy phép khai thác thủy sản.

Doãn Công